Kì 13: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

Nhà phê bình Khang Quốc Ngọc

>> Kỳ 1: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 2: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 3: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 4: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 5: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 6: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 7: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 8: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 9: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 10: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 11: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 12: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

 

Bài thơ long lanh quá! Một sự kiếm tìm, cất giấu rồi sử dụng cái đẹp và tiện ích trong cuộc đời nói bằng ngôn ngữ thi ca rất giàu hình ảnh. Bài thơ được chia làm hai phân khúc rất rõ. Ba dòng thơ đầu làm nền thiên nhiên để cho ba dòng thơ cuối thể hiện ý tưởng về con người. Dụng ý đó phải chăng tác giả muốn nhấn mạnh một thông điệp: thiên nhiên vẫn luôn luôn là “người mẹ” của tất cả chúng ta?

Sự xuất hiện chữ “không” trong câu thơ đầu “những đôi chim cu không làm tổ vào mùa xuân” có vai trò như chiếc chìa khóa mở ra vấn đề. “Làm tổ vào mùa xuân” là viên mãn rồi, thế thì có còn gì để mà hấp dẫn và lôi cuốn nữa? Bởi thế, “không làm tổ vào mùa xuân” nhưng vẫn có “đôi” có cặp xuất hiện thì đương nhiên, phía sau câu chữ đó phải là cái gì đó của tình tự, của những ấp ôm mơn trớn lôi cuốn mang tính chủ động.

Quả đúng như thế, “từng đôi mải mê đính vào buổi sáng tháng giêng/ những chuỗi cườm long lanh tiếng hót” thì hỡi ôi, còn chi là đẹp hơn thế, số nhiều xuất hiện trong cả ba dòng thơ (“những”, “từng đôi”, “những”) đã làm tràn ngập không gian và thời gian “buổi sáng tháng giêng” bao nhiêu những lung linh của tình yêu, của lứa đôi. Hình ảnh hóa âm thanh tiếng hót “những chuỗi cườm long lanh tiếng hót” được “đính vào buổi sáng thánh giêng” thật ngọt ngào và tinh khiết. Tiếng nói tình cảm lứa đôi trong sáng vô cùng nhưng lại đẫm đặc dẫn dụ và mơn man. Câu thơ như rải cảm xúc vào lòng người. Mê say. Chả thế mà nữ sỹ Vũ Trần Anh Thư đã phải thốt lên rằng “Bài thơ trong veo như “chuỗi cườm long lanh tiếng hót”. Và “tiếng chim rơi” ấy trong đến độ soi được lên ánh mặt trời thì quả là báu vật của trẻ thơ. Thứ nguyên liệu có một không hai ấy cất giữ để mùa thu 20 năm nữa lấy ra xây tổ ấm thì còn gì bằng…”

Và thế rồi, con người xuất hiện, làm cho bức tranh xuân, tháng giêng như ngọt ngào và hoàn thiện hơn. “Lũ trẻ gái lên đê nhặt tiếng chim rơi”. Một sự hoán đổi cảm giác trong một hình ảnh ẩn dụ rất độc đáo “nhặt tiếng chim rơi”. “Nhặt” bằng sự lắng nghe và thẩm thấu của tâm hồn. Thiên nhiên trong lành gặp được tâm hồn trong sáng. Một sự đồng điệu khá thú vị. Do vậy mà xuất hiện thêm hành động khá độc đáo chăng “soi lên ánh mặt trời rồi giấu vào trong ngực”? “Tiếng chim rơi” kia là tiếng nói ẩn dụ cho tình cảm riêng tư luyến ái. Hành vi ấy nói lên ý nghĩa chủ động hòa hợp với thiên nhiên của “lũ trẻ gái” và cũng là của con người. Bởi thế, không thể không có hai hành động liền kề “soi lên mặt trời” và “rồi giấu vào trong ngực”. Sự xuất hiện hai hành vi liền kề ấy đâu chỉ là tiếng nói của logich lí tính mà nó còn như một hành động âm thầm tự giác một khi con người đã thấu hiểu và đốn ngộ? Liếc xuống phía dưới, câu thơ diễn giải ý nghĩa kết luận cho hành vi trên rằng “mùa thu hai mươi năm nữa lấy ra xây tổ ấm cho mình” thì quả là điều tuyệt vời! Kiếm tìm để nâng niu, chắt chiu để tạo bệ phóng, và cất giữ để xây cho mình “tổ ấm” sau khi đã tích đủ nhựa.

Lời thơ ngọt đầy những chăm bẵm. Giọng thơ trong sáng ngọt ngào. Ý thơ đa nghĩa được chuyển tải qua những câu thơ giàu hình ảnh.

 

Những đôi chim cu không làm tổ vào mùa xuân

 

Từng đôi mải mê đính vào buổi sáng tháng giêng

Những chuỗi cườm long lanh tiếng hót

 

Lũ trẻ gái lên đê nhặt tiếng chim rơi

Soi lên ánh mặt trời rồi giấu vào trong ngực

Mùa thu hai mươi năm nữa lấy ra xây tổ ấm cho mình…

(Nguyễn Ba)

Đời “mẹ” như một vần thơ lục bát vì được thẩm thấu qua tâm hồn người con nặng nợ với thi ca. Đẹp lắm mà cũng cơ cực vô cùng “lục bát mẹ tròng trành quang thuốc bắc”.

Hai chữ “ghềnh ghềnh” mà tác giả gieo ở câu thơ thứ hai như muốn diễn tả sự ghập ghềnh hun hút luôn kéo dài trong cuộc đời mẹ “đường quê ghềnh ghềnh mờ sáng trăng sương”. “Mẹ” gánh “quang thuốc bắc” đi trên con đường ghập ghềnh ấy hàng ngày từ tờ mờ mỗi sáng. Mà đâu chỉ có thế, “mẹ” còn phải đối mặt với bao nhiêu những sự khắc nghiệt nữa của thời tiết khí hậu “bấc cào, mưa thét” trên con đường khá xa kia “bộ chục cây” với đôi chân trần của mẹ. Chữ “bộ” vừa gợi ra tình cảnh đôi chân lội bộ cực khổ của mẹ, bên cạnh đó nó còn mang cái nghĩa những nỗi vất vả mà mẹ phải đương đầu kia gom lại thành hẳn một “bộ” đặt lên trên đôi vai mẹ. Thành thử, nỗi vất vả như bị dồn ứ lại, nhiều lắm! Vô cùng. Do vậy, sự thể đã vất vả mà qua câu chữ lại càng như vất vả hơn. Ai đã từng ở Miền Bắc thì mới có thể thấu hiểu sự dữ dội của cái giá rét kinh khủng như nào khi con người buộc phải lên đường mưu sinh trong tình cảnh mùa đông gió bấc cào xé lại thêm mưa lạnh cắt da. Bởi thế, hình ảnh nhân hóa “bấc cào, mưa thét” đã nói lên được mức độ kinh khủng của thời tiết, khí hậu. Sự khắc nghiệt ấy như lúc nào cũng chực chờ hành hạ con người.

Mẹ” về làm vợ cha, thì hẳn nhiên đã trở thành một phần của gia đình nhà nội, nhưng không may cha mất đi để lại cho “mẹ” gánh nặng cơm áo, và “mẹ” đã “gánh nghiệp nhà, gái hóa (gái góa) đóng bà lang”. Câu thơ cốt cho chúng ta hiểu thêm vì sao “mẹ” lại phải “tròng trành quang thuốc bắc”, và vì sao “mẹ” phải đương đầu với “bấc cào, mưa thét” trên con “đường quê” hun hút gập ghềnh sớm tối như vậy. Đó là lí do vì sao mà một tay “mẹ” luôn quán xuyến và đảm đương tất cả. Bốn công đoạn “tẩm, phơi, chưng, sấy” gắn liền với bốn mùa trong năm “xuân, hè, thu, đông” là đủ thấy sự đảm đang và cực nhọc của mẹ “xuân tẩm, hè phơi, thu chưng, đông sấy”. “Mẹ” quần quật với thời gian trong năm, chả có mùa nào “mẹ” được ngơi nghỉ. Bốn động từ “tẩm, phơi, chưng, sấy” còn như là bốn công đoạn trong quá trình “mẹ” phải “gánh nghiệp nhà” thay cha mà lo toan cho gia đình. Hiện thực ấy làm cho độc giả không thể không xót lòng! Vì “mẹ” bây giờ vừa là mẹ vừa là cha!

Song, ý thơ lập tức sáng lên, sang quý ngay ở dòng kết “Thơm một nếp nhà tranh sáng bóng lưỡi dao cầu”. Đây là một câu thơ đa nghĩa, giàu hình ảnh và cực kì đẹp. Mùi thơm tỏa lan là mùi thơm của những vị thuốc bắc mà hàng ngày, hàng tháng mẹ đã “tẩm, phơi, chưng, sấy”; nhưng hương vị ấy còn là tiếng nói của sự thăng hoa kết tụ vẻ đẹp của tấm lòng “mẹ” bắt nguồn từ đôi bàn tay người thầy thuốc bất đắc dĩ nhưng lại luôn “sáng bóng lưỡi dao cầu”. Và ở đó còn có tấm lòng, sự cảm thấu và ánh lên niềm tự hào của đứa con với “mẹ”. Câu thơ đẹp quá, lồng lộng một chân dung miệt mài về nghề thuốc bắc.

 

Lục bát mẹ tròng trành quang thuốc bắc

 

Đường quê ghềnh ghềnh mờ sáng trăng sương

Bộ chục cây bấc cào, mưa thét

 

Gánh nghiệp nhà, gái hoá * đóng bà lang

Xuân tẩm, hè phơi, thu chưng, đông sấy

Thơm một nếp nhà tranh sáng bóng lưỡi dao cầu.

 

– Chú thích: Gái hóa được dùng theo kiểu từ địa phương, có nghĩa là gái góa là người vợ đã mất chồng.

(Đình Giao)

Tiếng nói tâm tình tuổi trẻ ngọt xớt trong thơ 1-2-3 Như An. Dùng lối nói đồng nghĩa nhưng lại không trùng lặp về nghĩa đã làm cho câu thơ có ý mở rất gợi “theo lối bình minh em dắt anh đi tìm nắng mới”. Tuy hai chữ “bình minh” và “nắng mới” đều có chung một nét nghĩa là mở đầu nhưng lại ẩn chứa những nét nghĩa khác nhau. “Lối bình minh” là lối mở đầu, tươi mới, còn “tìm nắng mới” là tìm những cái ấm áp tươi non và mở đầu cho một hành trình mới. Một cách chơi chữ quả là ấn tượng. Thêm hai ngữ động từ “theo lối” và “đi tìm” là điểm nhấn cho câu thơ thì càng làm cho ý thơ xôn xao lên vẻ đẹp chủ động giàu năng lượng tích cực trong cảm thức lứa đôi.

Tìm nhỏ chào mào soi bóng trước sương non/ tìm ngọn cỏ thơm mơn mởn xanh giòn” là hai câu thơ diễn tả khá hay, giàu hình ảnh về kỉ niệm một thời đầy ắp lãng mạn. Sự kết hợp ngữ âm và vần điệu đã làm cho ý thơ như tươi mới và nõn nà hơn. Tất cả được nhìn qua lăng kính mở màn và non tươi. Những hình ảnh “soi bóng”, “sương non”, “ngọn cỏ thơm”, “mơn mởn”, “xanh giòn” tụ lại và gợi ra những cảm giác mơn man, tươi trẻ giàu sức sống!

Và, theo tác giả thì đó là cách mà nhân vật trữ tình đang “ôn lại” một thời tươi vui, trẻ trung đầy những háo hức. Lời thơ dẫn dắt chậm mà như nhanh dần đều. Từ đi “tìm” sang đến “ôn lại” để rồi “chữa” được căn “bệnh dỗi hờn” kia thì đích thị là một bộ phim tua chậm những kỉ niệm đẹp đã qua, đương nhiên sẽ làm cho kí ức sống dậy và thế là hiện tại tràn ngập trong một chuỗi những thương yêu, trìu mến và say đắm.

Bài thơ như một cách làm mới, làm nóng lại những kí ức rất cần cho thực tại ở mỗi lứa đôi đã và đang gửi gắm cuộc đời cho nhau. Ai sẽ giúp mình giữ gìn để hạnh phúc luôn nở nụ cười viên mãn? Chính chúng ta, không ai khác, chính những người trong cuộc sẽ hiểu hơn ai hết, và có cách tự làm mới mình mà thôi. Thông điệp ấy được tác giả Như An gửi gắm qua một bài thơ 1-2-3 gọn nhẹ, tươi ròng và cần thiết. Đặc biệt, bài thơ chớp nhá và hô ứng rất độc đáo “theo lối bình minh em dắt anh đi tìm nắng mới” để cuối cùng là sự bừng dậy của hạnh phúc lứa đôi mặn mà quyến rũ “chữa bệnh dỗi hờn làm gầy guộc hừng đông…”. “Gầy guộc hừng đông” một cách dùng chữ khá lạ, độc đáo, và giàu sức gợi. Ở đó có sự nhí nhảnh, sự giận hờn vô cớ mà cũng hết sức đáng yêu, những thứ chỉ có trong ngăn kí ức của những cặp tình nhân thuở ban đầu. Do đó, bài thơ diễn tả những dập dồn vang ngân cực kì hấp dẫn của một thời mà con người có quá nhiều những điều thú vị của tuổi trẻ.

Lời thơ trong sáng pha chút nghịch ngợm, lí lắc, giọng thơ tươi giòn và mướt xanh tuổi trẻ.

Theo lối bình minh em dắt anh đi tìm nắng mới

 

Tìm nhỏ chào mào soi bóng trước sương non

Tìm ngọn cỏ thơm mơn mởn xanh giòn

 

Ôn lại câu thơ thuở còn mít ướt

Và cặp môi mình trở thành liều thuốc

Chữa bệnh dỗi hờn làm gầy guộc hừng đông..

(Như An – Bình Dương)

Sài Gòn, 25.3.2023

KHANG QUỐC NGỌC

(Còn nữa…)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *