TÁM
VHSG- Nắng lên cao.
Trời rất trong và rất xanh.
Và mây trắng.
Từng đụn mây xốp nhẹ như những đụn bông trắng tinh ai đó mới vãi lên nền trời tạo nên nét chấm phá cho bầu trời cao nguyên mùa xuân xanh ngăn ngắt. Từng đụn mây trắng chậm dãi phiêu du. Bà Chiên hết ngước nhìn bầu trời lại quay ngang nhìn qua ô cửa kính ô tô. Núi đồi hai bên đường, bầu trời trước mắt, tất cả đang hòa cùng vẻ nõn xanh của màu lá cây cà phê điệp điệp trùng trùng tưởng mênh mông đến vô tận.
Con đường mềm mại như một dải lụa dài vô tận và đen óng. Dải lụa vừa mới nhuộm xong đem trải phơi, nằm thở phập phồng trong gió sớm. Con đường dải lụa dập duềnh, khi trồi lên lúc hạ xuống, khi lại uốn mình lượn qua những khúc quanh của triền đồi càng khiến cảnh vật hai bên đường thêm ngút ngát. Choáng ngợp trước bức tranh thiên nhiên cứ lần lượt trải ra, lần lượt mất hút, rồi lại lần lượt xuất hiện. Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên rừng núi Tây Nguyên vừa mang nét hoang sơ lại vô cùng kỳ vĩ càng mỗi lúc càng hút hết tầm mắt của bà Chiên. Thằng Lợi thì lại háo hức hơn, nó nhấp nhổm ngồi không yên trên ghế, luôn miệng xít xoa đi từ ngạc nhiên này tới những bất ngờ khác. Với nó chuyến đi này, hay chính xác hơn là tại thời điểm này không khác gì một chuyến du lịch mà trước đây nó chưa bao giờ nghĩ tới. Trong giấc mơ của nó nó cũng chưa khi nào mơ thấy.

Tạm quên mục đích của chuyến đi, bà Chiên mạnh dạn hơi nhô đầu ra khỏi cửa kính xe, gió thổi hất bay mái tóc. Gió sớm trên cao nguyên thổi lành lạnh đem tới sự tỉnh táo. Bà Chiên hơi so người che cái mát lạnh giữa khung trời đã ngập nắng. Mùa xuân trên cao nguyên thật độc đáo. Ánh nắng lên nhanh và trải ngập một màu ngà ngọc lại non mướt trên những tán lá xanh. Cảm giác như trở lại thời thiếu nữ làm bà ngất ngây. Lâu lắm rồi bà Chiên mới có lại cảm xúc nao nao của ngày xưa.
Ngày xưa tức cái ngày bà và ông Thanh lần đầu tiên đi chơi với nhau dưới ánh trăng vậy. Dưới ánh trăng thanh từng gốc lúa vừa ấm chân đang rùng mình e thẹn trước ánh sáng vàng vàng từ trên trời dọi xuống. Những gốc lúa như những cô gái vừa chạm tuổi trăng tròn e lẹ nửa muốn giấu nỗi niềm thầm kín nửa muốn khơi ra trước thiên nhiên. Đêm càng khuya ánh trăng càng huyền ảo. Tựa đầu bên vai anh Thanh, Chiên thấy lòng mình thổn thức. Nhưng đó là cái thổn thức của người con gái lần đầu tiên cảm nhận thực sự hơi thở của chàng trai ở ngay bên cạnh. Một cảm giác tin cậy đến sẵn lòng khiến Chiên chỉ còn biết mặc nhiên cho những nụ hôn tưởng không bao giờ dứt của anh Thanh đặt trên môi mình.
Đêm càng khuya cảnh vật càng tĩnh lặng. Trong cái tĩnh lặng đến ngọt ngào ấy Chiên thấy mình như người hạnh phúc nhất trên đời này. Cô khẽ ngước lên nhìn anh Thanh. Cả hai chưa tan được cảm giác xấu hổ của nụ hôn đầu đời. Mặt cô đỏ ửng lên, hai má nóng bừng như hơ lửa. Bên cạnh cô, anh Thanh cũng mơ màng trước phút giây đầu tiên được có cạnh mình một người con gái. Cả hai vừa yên lặng vừa khao khát, chốc chốc lại quấn lấy nhau hôn không dứt. Ngoài xa xa, cánh đồng như được ai đó tô những màu vàng lóng lánh. Mặt ruộng khẽ xao động trước những cơn gió thổi nhẹ. Gió thổi là là mặt nước làm gợn lên những lớp sóng nhỏ lăn tăn.
Bất giác bà Chiên thấy xấu hổ. Cảm giác ngào ngạt ngày nào làm bà chợt đỏ hây gò má. Thằng Lợi không biết là mẹ nó đang có những dòng hồi ức tươi đẹp, nó nghĩ tại gió thổi mạnh quá nên hai má mẹ nó mới đỏ lên như thế. Vòm trời cao nguyên như nới rộng ra. Vòm trời cao nguyên như đẩy cao lên. Đọng mãi trong ánh mắt là màu xanh bạt ngàn của cây cà phê. Dọc hai bên đường 14, cà phê ngút ngàn đang trổ hoa. Từng chùm hoa cà phê trắng tinh khôi nở bừng trên từng mắt lá. Nhắm mắt nhìn xa xa mà tưởng tượng, những vạt đồi cà phê đồng loạt trổ hoa giống hệt như một dải rừng cây bên châu Âu đang được tuyết rơi phủ trắng. Hình ảnh đó hai mẹ con bà Chiên chỉ có thể thấy được trong phim ảnh, còn bây giờ hình ảnh đó gần đến nổi có thể ngửi thấy được cả hương vị của những bông tuyết trắng. Bất chợt hiện ra. Bất chợt biến mất rồi lại bất chợt hiện ra. Hoa cà phê nở trắng ngần, không rực rỡ sắc màu, không kiêu sa, chỉ khiêm nhường nơi đầu cành nhưng nó lại làm những vạt đồi điệp trùng như một bức tranh sáng tạo độc nhất của thiên nhiên, một bức tranh màu trắng chen màu xanh thật gợi cảm.
Bà Chiên bỗng tư lự. Trong đầu bà, bà không thể tưởng tượng ra nổi nơi đây từng là một chiến trường rộng lớn và vô cùng ác liệt. Những điều thấy trong giấc mộng lần lượt hiện ra như một cuốn phim được quay chậm lại. Gió thổi mạnh, khói bốc lên mù mịt, khói phủ kín mọi quả đồi cháy khét. Tiếng nổ chát chúa ngỡ vỡ đất vỡ trời. Tiếng la hét ồn ã. Tiếng kêu la khủng khiếp. Những bóng người lao lên. Những bóng người đổ xuống. Mặt đất giẫy lên dưới những tiếng nổ ầm vang. Bầu trời rách toạc sau những ánh sáng chớp lóe.
Xe lại lượn qua một khúc quanh. Những vạt đồi nương cà phê được thay thế bởi những cánh rừng cao su cũng bạt ngàn và cũng ngút ngát mênh mông. Từng thân cây cao su cao lớn vươn thẳng, xòe lên trời những chùm lá xanh thẫm đung đưa trước gió. Xe lướt bên cánh rừng cao su như đang đi xuyên qua bức tranh được vẽ nên từ cây và lá. Thằng Lợi mở to đôi mắt đầy phấn chấn. Ở vào cái tuổi mười chín nhiều ước vọng nên nó cảm như mình đang viễn du trong một cuộc chu du không dứt. Thực phí nếu như nó không được tham gia chuyến đi này. Xe vừa ra khỏi cánh rừng cao su lại lạc vào những vạt đồi nương cà phê nối tiếp nhau. Rồi lại mất hút phía sau những vạt đồi nương cà phê hoa nở trắng ngát. Một cánh rừng cao su với những hàng cây thẳng hàng đứng vút cao nữa lại xuất hiện. Cứ thế và cứ thế. Những bức tranh xanh trắng tưởng không bao giờ dứt.
Càng gần tới trưa nắng càng lên cao. Gió thổi lồng lộng. Bóng những vạt đồi nương cà phê ngả nghiêng cành lá. Bóng những cánh rừng cao su dào dạt đầy sôi động. Xe đã đi vào địa phận huyện Ngọc Hồi. Đã thấp thoáng những ngôi nhà phía xa xa, những ngôi nhà như những bông hoa dị biệt nở trên triền đồi. Những ngôi nhà ẩn khuất trên những vạt đồi nương cà phê, những ngôi nhà dần tiến lại phía con đường rồi dần lùi xa sau xe. Chưa bao giờ hai mẹ con bà Chiên lại có được những hình ảnh sống động đến thế. Thò tay qua cửa kính, thằng Lợi làm như nó đã túm được một bông hoa cà phê cánh trắng. Nó hí hửng nắm chặt bàn tay lại vì ngỡ bông hoa trắng ngoài kia đã nằm gọn trong đó. Nhất định lúc quay về nhà nó sẽ kể cho chị Lanh nghe. Chị Lanh nó dạo này cứ hai ba ngày lại gọi điện về nhà. Nghe nó nói nó sẽ cùng mẹ vào Tây Nguyên chị nó ghen ra mặt. Bằng chứng là giọng chị nó qua điện thoại cứ nghèn nghẹn. Giọng nói của chị nó đầy tiếc nuối. Nhất định nó sẽ kể cho chị Lanh nghe như chị đã yêu cầu. Chị Lanh đã dặn. “Đi trong đó về nhớ kể hết cho chị nghe đấy nhé”.
Bà Chiên bất giác buồn buồn. Bà co người lại như để tránh gió tạt vào mặt như để che đi cảm xúc. Tiếng bánh xe đều đều nghe ràn ràn, vòng quay bánh xe liên tục cuốn vào bụng xe dải lụa đen bóng. Lấp ló bên khóm cà phê là những bóng người lúc hiện lúc ẩn. Đó là những người đi chăm sóc, đi tưới nước cho cây. Không biết họ có nhận ra trên chuyến xe này có hai mẹ con mình không nhỉ? Với những ai lần đầu tới miền đất lạ thì họ đều có chung suy nghĩ là những người dân nơi họ đi qua đều nhìn họ suy đoán. Suy đoán xem trên xe kia là ai? Suy đoán những người xa lạ ấy tới chốn này làm gì? Và nói chung mọi hành động của hai mẹ con bà chắc những người dân đang lúi cúi trong nương cà phê kia nhìn thấy hết. Cảm giác vừa ngài ngại muốn che giấu lại vừa muốn cho mọi người biết làm bà Chiên thêm đỏ hồng gò má.

Anh Thanh cúi xuống nhìn sâu vào hai đôi mắt của Chiên. Đôi mắt của cô lúc này trông như đôi vầng trăng đang soi anh vằng vặc. Hình như cả cánh đồng lúa mới cấy cũng dồn hết trong đôi mắt ấy. Hình như tất cả những ngôi sao trên vòm trời đều sa hết trong đôi mắt ấy. Còn Chiên, cô cũng mở to đôi mắt. Cô muốn thu nạp hết hình ảnh anh Thanh trong đêm nay vào cả mắt cô. Cô muốn những hình ảnh thân thương ấy mãi mãi nằm yên lành trong đó. Mãi mãi không rời xa cô.
Buồn rầu trở lại, bà Chiên buông tiếng thở dài. Bà áy náy là chuyến đi này không có ông Thanh. Bà tự dằn vặt mình. Bà tự chua xót với mình. Những ao ước đã tan vụn thành mây thành khói. Tan vụn từ buổi chiều cuối của một ngày đầu thu cách đây gần sáu năm ấy. Chiều muộn ngày ấy nếu bà cùng về với ông Thanh thì đâu nên nhẽ. Chiều muộn ngày ấy nếu bà không nấn ná bên sân vận động mới của xã để cố bán thêm chút nước chè xanh thì đâu nên nỗi. Cái ngày ấy nếu….
Từ sau buổi nói chuyện với thằng Lợi, cuối mùa thu năm ngoái, về linh cảm của bà thấy như ông nội của nó muốn trở về làng, làm bà Chiên trong người lúc nào cũng như có lửa đốt. Bất cứ làm gì hay nghĩ gì bà đều có cảm giác bồn chồn. Cũng phải thôi, khi người ta đã nói ra ý nghĩ định làm một thứ gì đó mà chưa làm được thì trong lòng luôn áy náy. Hơn nữa đây lại là câu chuyện tâm linh nên bồn chồn cứ nối tiếp bồn chồn. Khổ thân cho vong linh ông cụ, ngần bấy mươi năm nằm xa quê hẳn vong linh ông cụ luôn đau đáu nỗi nhớ quê nhà. Ông cụ ra đi xa quê cũng đã bốn mươi mốt năm rồi còn gì. Thời gian quá dài để một con người sinh ra và phương trưởng. Thời gian quá dài để nỗi nhớ quê hương thêm dằng dặc. Ở làng Me, ở xã Hùng Tiến này đã có bao gia đình đi tìm và đã đón được hài cốt liệt sĩ về làng. Nhà người ta làm được sao nhà mình lại không làm được? Ý nghĩ nung nấu lớn dần thành câu hỏi, thành nỗi băn khoăn khiến bà Chiên cứ như người đang mắc nợ. Món nợ tâm linh hay cũng là ước nguyện của ông cụ.
Nhưng có biết bao khó khăn trước mắt mà bà không tài nào tự giải quyết được. Đầu tiên là sự chấp thuận của địa phương. Chuyện này mới nghĩ ba đầu xem ra tưởng dễ hóa mà lại khó. Hôm bà đi cùng ông trưởng thôn, một người bà con họ hàng, trong làng tới gặp ông chủ tịch xã bà đã bao ngần ngại. Ông chủ tịch xã Hùng Tiến mới được bầu, đâu như do huyện thuyên chuyển về, lại là người thôn Chằm nên bà ít hy vọng. Không hiểu người ta có thông cảm với mình không? Không hiểu người ta có đồng tình với mình không? Mặc dù ông trưởng thôn nói khích lệ nhưng bà vẫn e ngại.
Quả đúng như bà Chiên băn khoăn. Ông chủ tịch xã Ngọc Hùng chắp hai tay sau lưng đi đi lại lại. Bà Chiên giống như một con “đông tây nam bắc”, bà cứ ngúc ngoắc cái đầu quay qua quay lại theo từng bước chân đi qua đi lại của ông chủ tịch. Đến khi bà mỏi nhừ cổ thì ông chủ tịch xa mới dừng những động tác đi qua đi lại lại. Khẽ đẩy hai chén nước mới rót còn nóng hổi về phía trước mặt hai người, bà Chiên và ông trưởng thôn, ông chủ tịch xã hắng giọng vài lần rồi mới lên tiếng.
– Nhà nước đã có chính sách với liệt sĩ. Các địa phương có liệt sĩ nằm lại đều đã tiến hành quy tập vào nghĩa trang của địa phương đó. Mình tự nhiên tới và xin mang về chắc cũng làm họ phật lòng. Làm như vậy khác nào nói địa phương người ta không làm tốt chính sách. Chắc họ không đồng ý đâu.
– Nhưng đây lại là liệt sĩ chưa được quy tập.
Ông trưởng thôn nhanh chóng giải thích thêm. Ở nhà tức là trước lúc tới gặp ủy ban xã, ông trưởng thôn đã dặn bà Chiên rất cụ thể “Lên ủy ban bà cứ để tôi nói. Bà nói không đâu vào đâu không khéo làm khó thêm”.
– Đấy. Liệt sĩ chưa được quy tập lại càng khó. Biết người nằm ở đâu mà tìm. Nghe linh tinh nguy hiểm lắm. Mấy vụ ngoại cảm lùm xùm các ông các bà nghe cả rồi chứ?
– Chúng tôi không nhờ ngoại cảm.
– Không ngờ ngoại cảm thì phải có ai biết chứ, ví dụ như người cùng đơn vị chẳng hạn. Người cùng đơn vị …nhưng đã gần bốn mươi năm rồi còn gì. Dễ gì tìm được, mà tìm được không chắc người ta đã nhớ. Vả lại bây giờ các ông các bà đã có ai cùng đơn vị với ông cụ chưa?
– Không có.
– Thế thì không ổn rồi.
– Nhưng …chúng tôi tin chắc là tìm được.
– Tôi tin các ông các bà nhưng còn vấn đề nữa. Phức tạp lắm.
Ông chủ tịch xã im lặng hồi lâu, ông giả tảng thổi phù phù chén nước nóng để tránh câu nói tiếp. Một sự im lặng kéo dài làm bà Chiên chực khóc. Sống mũi cay cay. Khóe mắt ngân ngấn nước. Phụ nữ vốn nhậy cảm và bà Chiên đã quá hiểu thực cảnh nhà mình nên sự im lặng và câu nói “Phức tạp lắm” của ông chủ tịch xã là bà Chiên biết ngay là ông chủ tịch xã muốn nói gì. Ông ấy đã nại ra mọi lý do để thể hiện sự chần chừ, thể hiện sự vướng mắc tế nhị. Ông trưởng thôn quá nhiệt tình nên không dự đoán có tình huống khó xử, ông nhấp nhổm mấy lần toan lên tiếng nhưng bà Chiên ý tứ kéo nhẹ vạt áo. Căn phòng làm việc của ông chủ tịch xã im lặng như đã đóng cửa. Im lặng đến độ nghe rõ từng nhịp chuyển động giật cục của kim giây trong chiếc đồng hồ chạy pin để trên bàn.
Xe đi qua một đoạn đường đang sửa chữa. Cú xóc nẩy người đã lôi bà Chiên trở lại thực tại. Quả tình từ khi bắt đầu rời nhà tới giờ, bà luôn mang trong mình hai tâm trạng. Một tâm trạng của trách nhiệm trước vong linh cha chồng. Và một tâm trạng trước những tự trách móc, tự dằn vặt mình. Thằng Lợi đã thôi không ngoái đầu ngoái cổ nhìn ngắm nữa. Thanh niên là thế. Hăng hái nhưng chóng chán. Cũng có thể là nó đã mệt mỏi. Chặng đường đi những cả ngàn ki lô mét chứ có ít đâu. Nó chưa bao giờ được đi xa mà nhất là lại đi xa như thế này. Hơn nữa lại đi trong một trách nhiệm thay thế cha nó. Người lái xe mấy hôm trước còn thỉnh thoảng nói chuyện. Chú tài xế đi nhiều nên qua đâu cũng có chuyện để nói, đến đâu cũng có người để quen. Không hiểu sao sáng nay chú tài xế này lại không nói năng gì? Cũng có thể chú tài xế muốn để cho hai mẹ con bà tự hỏi và tự trả lời. Tự cũng có cái hay là sau đó thì rất nhớ. Nhưng tự thì khó tới cái đích được.
Hết tết. Rồi hết tháng giêng ta. Tháng hai năm Kỷ Sửu cũng trôi vèo. Bụng dạ bà Chiên càng thêm lửa đốt. Bà không oán trách ông chủ tịch xã bởi ông ấy cũng có cái đúng. Xét về tình thì gia đình bà là gia đình chính sách. Nhà bà là gia đình liệt sĩ. Xã không ủng hộ thì ủng hộ ai. Nhưng nói về lý thì gia đình bà lúc này lại là gia đình có người phạm trọng tội đang thụ án. Xã mà đi giúp gia đình tội phạm khác nào bảo xã dung túng cho những hành động trái pháp luật. Ông chủ tịch xã im lặng và nói phức tạp là cái phức tạp đó. Trách họ không được nhưng bụng dạ bồn chồn khiến bà ăn ngủ thấy bứt dứt. Hình như vong linh ông cụ biết được điều còn khó khăn đó nên càng đến gần tiết thanh minh vong linh ông cụ càng thôi thúc. Nguyện vọng của người đã khuất tuy không thể hiện nghe thấy được hoặc nhìn thấy được nhưng cứ qua ánh mắt của ông cụ trong tấm hình là biết. Ánh mắt nhìn bà Chiên, nhìn cô con dâu của ông cụ, cứ chập chờn, cứ hờn trách. Mỗi lần thắp một nén hương trên ban thờ khấn vong linh ông cụ là mỗi lần tim bà Chiên cứ nhoi nhói. Lòng dạ thêm bồn chồn càng làm bà thêm rối bấn. Nói chuyện qua điện thoại với con Lanh nó cứ động viên. Con bé xa nhà mới được gần một năm mà đã tỏ ra hiếu biết. Đúng là nó đi xa nhà như đã được học thêm được một sàng khôn.
Về gần trưa vòm trời càng cao thêm. Mây loãng ra, chúng không vón thành từng đụn nữa mà loãng ra dài và mảnh, nhìn như những làn khói đốt gốc rạ ở giữa cánh đồng chang chang nắng. Khí lạnh mát cũng giảm. Những đụn mây trắng đã phiêu bồng sang xứ khác. Ánh nắng soi óng những chiếc lá xanh của vạt đồi nương cà phê nối nhau hai bên đường. Ánh nắng soi làm con đường như dài rộng ra. Ánh nắng như mời thêm gió. Từng cơn gió cao nguyên thổi tung tăng qua những vạt đồi. Thổi lao xao chùm lá cao su. Những gốc cây cao su vẫn đứng im trước từng cơn gió thổi. Ánh nắng làm con đường xa thêm bảng lảng. Con đường bỗng biến thành dải lụa đen vàng xao động. Vẻ biến đổi của cánh rừng cao su. Vẻ biến đổi của những vạt đồi nương cà phê và nhất là vẻ biến đổi của con đường dưới nắng làm ánh mắt của hai mẹ con bà Chiên đi từ ngạc nhên này tới ngỡ ngàng khác. Thằng Lợi đã háo hức trở lại. Tuổi trẻ là thế, ít sâu sắc nhưng được cái thích ứng rất nhanh. Nó không buồn buồn, không tư lự như mẹ nó.
Xe từ từ dừng lại và nép bên đường.
Chỗ ấy, bên phải con đường dải lụa đang nằm trải phơi có nhánh đường đất đỏ, dạng đường mòn, hằn lõm vệt bánh xe máy dẫn vào nương cà phê. Nhánh đường nội bộ nối những vạt đồi nương cà phê này với nương cà phê khác, nối dẫn tới tận những chân dẫy núi cao xa hút. Đã tới địa điểm hai mẹ con bà cần đến. “Cách thị trấn Plei Kần chừng mười tám cây số thì con xuống xe”. Bà Chiên nhẩm lại lời dặn dò mà bà được mộng báo. Đưa mắt quan sát để khẳng định địa điểm xuống xe là đúng, bỗng bà Chiên lúng túng ra mặt và thấy hoang mang. Sự lúng túng và hoang mang thể hiện qua đôi mắt ngơ ngác của bà. Trước mắt bà là một khoảng xanh vô tận chứ không phải những vạt đồi nham nhở và cháy khét. Trước mắt bà là khoảng không gian yên bình đến lặng im chứ không phải là cánh rừng ầm vang tiếng súng. Trước mắt bà là một nơi xa lạ mà bà chưa một lần đặt chân tới. Hoang mang và lúng túng, bà Chiên liếc nhìn thái độ của thằng Lợi. Thằng Lợi chưa hiểu câu chuyện, nó còn đang ngẩn ngơ trước những chùm hoa cà phê nở thành dãy dọc hai bên cành cà phê. Hoa cà phê trắng tinh khôi càng trắng hơn dưới ánh nắng. Thằng Lợi có mối quan tâm lớn lúc này là muốn được ngắt chùm hoa cà phê. Nó cười một mình, nụ cười của chàng trai đã có dấu hiệu thích nhìn bạn gái. Trong đầu nó đang mường tượng ra nếu như bên cạnh nó lúc này là một cô bạn gái. Nó sẽ dắt tay cô bạn gái mới quen kia chạy hút vào nương cà phê. Hai đứa tuy dắt tay nhau nhưng mỗi đứa lại tự chọn lựa chùm hoa cà phê cho riêng mình để quay ra khoe với nhau xem chùm hoa của ai ngắt được là chùm hoa trắng nhất, là chùm hoa đẹp nhất.
– Lợi. Con xem giúp mẹ là có đúng chỗ này không?
– Tôi chạy xe qua đây nhiều lần rồi, tôi biết đúng là chỗ mà chị đã nói.
Chú tài xế bây giờ mới lên tiếng. Giọng chắc nịnh đầy tin cậy.
– Chỗ này nghe nói năm bảy hai đánh nhau dữ lắm. Chắc quá đi rồi.
– Nhưng tôi thấy nó lạ lắm không giống như…
– Bà chị của tôi ơi. Ngần bấy năm qua rồi. Cảnh vật không thay đổi mới là lạ. Tin tôi đi.
– Nhưng mà Lợi con cứ xem giúp mẹ. Chú tài chú ấy nói cũng không sai nhưng con cũng xem lại giúp mẹ.
– Con xem bằng cách nào?
– Ừ nhỉ.
Bà Chiên càng hoang mang. Nắng ban trưa soi lấp lóa càng làm bà thêm hoang mang. Cánh rừng cà phê xanh ngút ngàn nở vẽ muôn hoa trắng như thử thách nhận thức của bà. Một thoáng ngần ngừ, bà Chiên tủi thân khẽ rơi những giọt nước mắt. Đã đến đây rồi không lẽ chịu bó tay mà đành quay về? Đã đến đây rồi mà không làm trọn được tâm nguyện thì day dứt lắm. Bà Chiên cứ đứng thở ngắn than dài, chịu chưa nghĩ được cách nào để xác định. Thằng Lợi đã thôi dòng mơ mộng yêu đương. Nó băn khoăn nhìn mẹ rồi lại nhìn những cây cà phê rung rinh hoa trắng. Thực tình nó cũng chưa nghĩ gì hơn mẹ nó. Hai mẹ con đứng thẫn thờ suy tính.
Một cơn gió thổi từ sâu trong những hàng cà phê thổi vọng ra. Gió man mát như làn gió ấy vừa thổi qua mặt nước. Cơn gió thổi thoáng qua nhưng đủ cho hai mẹ con bà thấy đỡ tủi. Mùi hoa cà phê thơm nồng nàn thơm quyến rũ theo làn gió bủa ra vây quanh chỗ hai mẹ con bà Chiên đang bần thần đứng. Lẫn trong mùi hoa cà phê đang tỏa ra ngan ngát là một mùi hương thoảng nhè nhẹ, mùi hương tuy là lạ nhưng có thể nhận ra được giữa mùi thơm của muôn hoa. Khen khét giống như mùi của lửa cháy.
***
Tiếng đạn đại bác nổ, tiếng đất đá rơi rào rào đột ngột im phắc. Trời đã hửng nắng song không có nấy một tia nắng nào có thể xuyên qua được màn khói bụi vây bủa như bưng lấy mắt. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến nhảy vội lên bờ công sự. “Bên ấy còn ai không?”. Tiếng gọi quay sang bên trái. “Bên ấy còn ai không?”. Tiếng gọi quay sang bên phải. Vừa chụm tay làm loa, trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến vừa ngó trước quay sau, quay phải ngó trái gọi to. Giọng đã khản đi mà vẫn không có tiếng nào đáp trả. Im lặng quá. “Anh em mình hy sinh cả rồi sao?”. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến bỗng nhiên thấy đơn độc giữa đỉnh đồi khét trơ, đất đá cây cối nháo nhào trộn lẫn vào nhau đang âm ỉ cháy.
Đêm cách đây hai ngày, khi tiểu đoàn được lệnh “nhổ” điểm cao 875, một điểm cao tiền duyên của căn cứ Plei Kần. “Nhổ” được điểm cao 875 cũng có nghĩa là xé toang cánh cửa chốt chặn đường 14, làm bàn đạp cho quân ta bao vây tiến tới đánh tiêu diệt địch trong căn cứ Plei Kần. Nhiệm vụ rất cụ thể và cũng rất khó khăn bởi quân địch ở điểm cao 875 tuy không đông, chừng một đại đội nhưng chúng được pháo binh từ các căn cứ quanh đây luôn chi viện. Đặc biệt là pháo 155 ly của địch ở Plei Kần lúc nào cũng có thể bắn tới dữ dội. Nổ súng bất ngờ và nhanh chóng, tiểu đoàn đã đẩy lùi số quân ngụy đóng trên điểm cao xuống chân núi. Lũ lính ngụy bị đòn đánh choáng váng không kịp kháng cự, hoảng sợ bỏ chạy về co cụm trong căn cứ Plei Kần. Tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ ban đầu và được bổ sung nhiệm vụ mới. Đó là để lại một đại đội có tăng cường làm nhiệm vụ chốt chặn trên điểm cao 875 không cho quân ngụy tái chiếm lại điểm cao 875.
Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến chạy đi chạy lại hy vọng tìm được anh em mình. Đợt pháo 155 ly dập lên điểm cao của địch vừa rồi kéo dài và dữ dội tưởng không mở được mắt. Khói đạn bao phủ mù mịt khắp trận địa, những tiếng nổ chát chúa ngỡ nát vụn cả trời. “Bọn này lắm pháo nhiều đạn thật”. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến đã mấy lần bị đất lấp vùi lại mấy lần tự gạt đất ngoi lên. Giờ trận địa bỗng nhiên im phắc như nơi đây chưa hề hứng chịu những trận pháo kích của địch. Mắt ngó từng căn hầm, mắt dòm từng hố đạn. Tuyệt nhiên vắng lặng. Những đoạn chiến hào hoặc bị pháo bắn sạt đổ hoặc bị lấp đầy đất đá. Những căn hầm biến dạng, chỉ còn lại là những hố đạn đen sì. Không gian sặc một mùi khét lẹt. Mắt cay sè vì khói và vì thấy lẻ loi, trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến ngồi thụp ngay trên bờ công sự.
“Làm gì tiếp theo đây?”. Trong đầu bắt đầu vang lên những câu hỏi. “Bỏ về phía sau? Không được. Như thế là bỏ trận địa. Bỏ trận địa tức là đảo ngũ”. Nghĩ tới đây trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến thấy như mình vừa phạm vào một điều gì hệ trọng lắm. “Lệnh của trên là, bằng mọi giá phải giữ được điểm cao ít nhất là ba ngày. Ba ngày đủ để cho đội hình trung đoàn hành tiến theo đường 14 tiến đánh bao vậy Plei Kần”. Đinh ninh nhớ lại nhiệm vụ, trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến lẩm nhẩm. “Sáng nay nữa là đã sang ngày thứ ba. Không hiểu đội hình của trung đoàn đã vượt hết đường 14 chưa?”.
Sau khi mất điểm cao 875, quân địch trong căn cứ Plei Kần không tổ chức cho bộ binh đánh ra mà chúng lợ dụng sức mạnh của pháo binh liên tục pháo kích lên điểm cao. Chúng hy vọng gây sát thương lớn cho quân ta ở đó. Những đợt pháo kích suốt hơn hai ngày qua quả tình cũng đã làm quân ta thương vong nặng nề. Anh em hứng chịu hết đợt pháo này chưa kịp khôi phục công sự chiến đấu lại phải hứng chịu đợt pháo kích mới. Hơn hai ngày trằn mình giữa tiếng đạn nổ, trằn mình giữa khói bụi và thương vong nên quân số hao đi trông thấy. Đại đội trưởng đã phân công trung đội của trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến giữ hướng chính diện. Hướng chịu nhiều đạn pháo của địch nhất.
Cố căng tai ra để kiểm tra lần nữa. Vẫn không có một tín hiệu nào cho thấy anh em mình đang ở đâu. “Không có lẽ mọi người đã được lệnh rút mà mình không hay? Không lẽ lúc mờ sáng nay anh em đã rút”. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến đâm phân vân, lúc mờ sáng nay pháo địch bắn lên dữ dội. Sức ép của một quả đạn 155 ly nổ gần đã hất trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến văng lên khỏi công sự và ngất đi. Đất đổ rơi xuống ào ào vùi lấp nửa người, phải gắng lắm trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến mới tự gạt đất ngoi lên được. “Anh em đã rút đi không kịp tìm mình. Hay là mình cũng rút? Không được. Không được nghe lệnh chính thức mình không thể rời trận địa được. Nhưng liệu quân ngụy đánh lên mình một mình làm sao giữ được?” Cả đống băn khoăn khiến trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến lâm vào trạng thái khó xử.
Bầu trời đã quang trở lại. Từng cơn gió mạnh mẽ thổi thốc từ chân điểm cao làm bốc vung lên những đám bụi đỏ lòm. Khắp trận địa phủ đặc một màu đỏ của bụi. Nhảy xuống một đoạn giao thông hào còn khá nguyên vẹn để tránh gió bụi, trung đôi phó Nguyễn Hữu Tiến vừa lau lại khẩu AK vừa kiểm tra số đạn còn lại. “Chết rồi. Còn mỗi một băng. Làm sao bây giờ?”. Như một người bị dồn vào thế khó, trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến toan ngóc đầu lên nhìn quanh quất xem anh em mình còn bỏ sót băng đạn nào không thì loạt đạn pháo tiếp theo chụp xuống nổ dậy đất. Báo hiệu cho một đợt pháo kích dữ dội mới. Chúi đầu cố tránh đất đá cây cối khỏi vung vào người, trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến đưa tay gạt chốt an toàn. Súng đã lên đạn. Những tiếng nổ dậy đất vang lên không ngớt. Mặt đất rung lên bần bật. Mặt đất giẫy lên như con cá còn tưoi nằm trong chảo nóng.
“Chắc giờ này ở nhà thằng Thanh con mình đã được nghỉ hè. Không biết nó có chạy chơi đâu không? Chơi đâu thì chơi chứ chạy chơi ngoài đê nguy hiểm lắm. Sơ sẩy chân tay mà ngã thì khốn”. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến mơ mơ nhớ về nhà. “Bây giờ mà mình được về nhà thì thằng Thanh khoái lắm đây. Đã bốn năm mình xa nhà rồi còn gì. Năm nay nó đã mười một mười hai tuổi rồi. Nó học lớp mấy rồi nhỉ?”. Luồng suy nghĩ bị cắt ngang bởi một quả đạn 155 ly nữa nổ gần miệng chiến hào. Đất vung lên rồi đổ xuống đánh rầm. “Khiếp. Chúng bắn mới khiếp chứ”. Trung đôi phó Nguyễn Hữu Tiến chỉnh lại tư thế ngồi. Sức mạnh của quả đạn vừa rồi đã đẩy người xô lệch đi như ngã ngửa ra.
“Thằng Thanh chắc nhớ bố lắm đây. Hôm mình dẫn nó lên chơi trên đê nó cứ hỏi mãi những câu hỏi vớ vẩn. Thôi kệ đi. Trẻ con ấy mà. Chúng hỏi nhưng chúng có biết chúng đang hỏi câu gì đâu”. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến tự an ủi. Một cành cây văng ụp xuống che kín bầu trời vốn sặc sụa khói bụi. Cành cây làm đoạn chiến hào mà trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến đang ngồi nấp đã tối đen lại thêm tối đen. Những tiếng nổ dậy đất liên tiếp như không muốn dừng. “Chúng bắn xong là xua quân lên đấy”. Tự nói như vậy, trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến lại sốc lại khẩu AK.
Dứt đợt pháo. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến lại nhảy lên bờ công sự. “Ngồi mãi đây không ổn. Lên đó xem xem chúng có hành động gì tiếp theo chứ. Bọn này chắc cay cú lắm đây? Chúng còn chưa quên đòn choáng váng ban đầu mà. Chúng còn bắn pháo thăm dò chán?”. Trên trận địa khói bụi đang bốc lên dầy đặc. Không một tia nắng mặt trời nào có thể dọi xuống điểm cao 875 được. Không thể nhận ra bất cứ một thứ gì. Cuối tháng năm rồi mà tối om om như giữa đêm tháng chạp vậy. “Thằng Thanh nhà mình khoái trò đánh trận lắm. Cái thằng chỉ thích nghe kể chuyện ngày xưa cánh đồng làng mình là một bãi chiến trường rộng lớn. Mà đúng quá đi chứ”. Ý nghĩ nhớ nhà lại ùa tới làm trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến chợt thấy buồn buồn. “Không hiểu thằng Thanh đã lớn bằng ngần nào rồi nhỉ? Chắc cũng lại thấp nhỏ như bố nó thôi”
Một cơn gió thổi mạnh thốc cuốn từ chân điểm cao lên. Bụi đỏ bám kín mặt mày. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến vơ chiếc mũ tai bèo đang đội trên đầu xuống định lau mặt. Như sực nhớ ra điều gì, trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến dừng vội tay. Gió vẫn thổi thốc lên. Chiếc mũ tai bèo chợt lật bật kiểu như có ai đó đang níu tay hỏi muốn cầm. Cảm giác rất rõ ràng đang giật giật đang thúc giục mãnh liệt. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến đã nhớ ra. “Thằng Thanh nhà mình thích chiếc mũ này lắm. Mình đã hứa với nó là lần về thăm nhà sau sẽ lại cho nó đội”. Trận địa lại im lặng nhưng đó là sự im lặng của chờ đợi điều khủng khiếp hơn.
Nhảy nhanh xuống và lần theo đoạn giao thông hào tới căn hầm sập gần đó. Quáng quàng như chỉ sợ không còn thời gian. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến vội vã bới đất lục tìm. Căn hầm sập này đêm hôm qua mấy người còn lại trong trung đội đã trú ở đó. Nó phải còn thứ gì chứ? Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến vừa bới đất vừa hy vọng. Đây rồi. Có thế chứ. Một mảnh tăng bộ đội, thứ vải ni lông quàng che mưa sót lại sau những đợt pháo dập của địch giờ rách nham nhở. Ngoắc tay lấy con dao găm giắt bên sườn, trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến lại vội vã cắt cắt những chỗ rách. Vừa đủ thành một mảnh lành lặn cỡ bằng khổ một tờ báo.
“Tốt rồi”. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến đặt chiếc mũ tai bèo vào giữa mảnh tăng, “Cất đi để mang về làm quà cho thằng Thanh”. Vừa nói vừa cẩn thận vuốt gấp mảnh tăng ni lông cho vuông vức, cho chặt chẽ, cuối cùng thì chiếc mũ tai bèo đã được bọc kín. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến còn cẩn thận đút “gói quà” vào trong chiếc ăng gô, loại vật dụng được trang bị để chứa khẩu phần ăn hàng ngày. Đậy nắp ăng gô thật chặt lại lúc đó trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến mới thực sự hài lòng. “Mình còn chiếc mũ còn”. Tự yên tâm với thành quả vừa làm và yên chí với món quà vừa cất kín, trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến giắt đeo chiếc ăng gô vào dây thắt lưng và lại nhảy lên bờ công sự.
Gió thổi lồng lộng, điểm cao 875 lúc này giống như một cái cây to đơn độc bị gió xô nghiêng ngả. Bầu trời chao đảo. Mặt đất chao đảo. Tiếng đạn nổ long óc. Tiếng lửa cháy xèo xèo. Tiếng đất đá vung lên rồi đổ xuống rào rào tung bụi đỏ mịt mù. Trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến thấy cả người mình như được ai đó hất bổng lên. Chới với trên mặt đất và như đang quay tròn lơ lửng. Cả người trung đội phó Nguyễn Hữu Tiến xoay tít mù như một chiếc chong chóng. Rồi bỗng nhiên chiếc chong chóng bị trăm ngàn bàn tay thi nhau giằng xé. Bộ cánh làm bằng giấy của chiếc chong chóng rách tua tủa, trơ khấc cái khung thân làm bằng tre nhưng cũng đang bén lửa. Chiếc chong chóng vừa rơi phịch xuống mắt đất như bị ai đó ném phũ phàng, vừa bốc cháy đùng đùng. Lửa cháy tứ tung khắp điểm cao, khói đạn và bụi đỏ dầy đặc. Chiếc chong chóng, mà giờ chỉ còn là cái khung bằng tre đang cháy, lăn tuồn tuột xuống chân điểm cao 875, nó lăn bằng một sức đẩy vô hình không gì níu giữ được.
***
Cuối cùng thì mẹ con bà Chiên cũng có được một người dẫn đường. Chú tài xế sau khi nói hai mẹ con bà ngồi trú tạm trong nương cà phê vừa nghỉ ngơi vừa tranh thủ ăn bữa trưa đã chuẩn bị sẵn thì đánh vụt xe đi. Chiếc ô tô loại bảy chỗ ngồi, hiệu Inôva, phóng đi đâu không rõ, bà Chiên đâm hốt hoảng. Không lẽ anh ta bỏ mặc cho hai mẹ con bà cứ ngồi đây rồi không biết sẽ làm gì tiếp theo? Nhưng anh ta bảo cứ đợi thì đành ngồi đây mà đợi chứ sao. Hơn nữa chú tài lái chiếc xe này do đích thân ông trưởng thôn tìm thuê giúp. “Một người thạo đường đất và quen biết lắm người trong đó. Toàn chỗ những người có thể giúp ta được”. Ông trưởng thôn nói như đinh đóng cột.
Hôm cùng bà Chiên lên ủy ban xã xin ý kiến chỉ đạo không thành, trên đường quay về chừng như ông trưởng thôn cũng rất áy náy. Dọc đường ông luôn phác ra một loạt những kế hoạch làm bà rối tung cả đầu. Thực tình là chỗ bà con họ hàng trong làng nên ông cũng có nghĩa vụ đền đáp với liệt sĩ. Đấy cũng là trách nhiệm nhưng việc ông có nghĩ, có phác ra bao nhiêu kế hoạch cũng chẳng đủ. Và một kế hoạch mới nhất sau bao ngày suy tính mà ông trưởng thôn đưa ra đã dẫn tới chuyến đi này của hai mẹ con bà Chiên. “Coi như việc này do gia đình tự nguyện tiến hành làm lấy. Địa phương coi như gia đình quên chưa báo cáo. Hợp tình và hợp lý”. Ông trưởng thôn tỏ ra tâm đắc với kế hoạch của mình. Ông sốt sắng tìm thuê xe và dặn kỹ trước khi hai mẹ con bà đi. “Khi nào về tới gần làng thì gọi điện báo”. Đơn giản như cách để xem hai mẹ con bà đi có đến nơi về có đến chốn không.
Chú tài xế đã đánh xe quay lại, chú tài còi bấm bim bim gọi hai mẹ con bà Chiên. Bà Chiên mừng suýt khóc. Đàn bà là vậy, dễ xúc động và luôn cảm thấy yếu đuối trước những thử thách, trước những chờ đợi. Chú tài xế đánh xe quay về đúng lúc hai mẹ con bà đã tưởng bị bỏ rơi, chú dẫn tới trước mặt hai mẹ con bà một người đàn ông chừng sáu mươi hai sáu mươi tư tuổi. Một người đàn ông Tây Nguyên đích thị. Ông này mặt tròn tròn, tóc quăn lượn sóng nhưng đã bạc cước, nước da màu đỏ đồng. Ông ta ăn mặc mới lạ kỳ. Chiếc áo kiểu vạt buông, may bằng vải thổ cẩm màu đen, với những sọc đỏ dài chạy suốt thân trước, tay áo được khoét hở nách lộ căng những cơ bắp trên cánh tay. Ông ta mặc một chiếc quần bộ đội cũ, ống sắn tới gối, có thể ông này vừa đi nương về hoặc cũng có thể đoạn đường sắp tới sẽ dài dài . “Còn hơn cả sự trông đợi. Ông đây đã nhận giúp là xong phéng”. Chú tài nói dứt khoát ngay khi hai mẹ con bà thấy tiếng chân người đi tới bèn ló mắt ra khỏi bụi cà phê. Thằng Lợi đứng ngẩn mặt ra nhìn cái ông người dân tộc Giẻ Triêng, như lời giới thiệu của chú tài xế. Với nó hình ảnh này cũng lạ lẫm và đầy bí ẩn như những cánh rừng cao su hay những vạt đồi nương cà phê mà nó đã nhìn không chán mắt.
Bà Chiên lí nhí cất câu nói cám ơn ông người dân tộc Giẻ Triêng đã nhận lời giúp hai mẹ con bà. Bà bấy giờ mới thực sự tin câu nói của ông trưởng thôn về người lái xe. Chú tài nhay nháy mắt, vẻ tỏ ra tự mãn về sự thông thạo của mình với thằng Lợi. Hai chú cháu nó suốt dọc đường đi đã nên thân. “Sao ở đời còn lắm người tốt thế?”. Bà Chiên tự nhủ sau khi chú tài hẹn tầm trưa hôm sau quay xe lại đón đúng ở chỗ này.
Nhánh đường đất đỏ in hằn vết bánh xe máy chui qua những lùm cà phê. Chui qua mùi hương nồng nàn vây bọc làm thằng Lợi thích mê tơi. Nó căng căng chân đi kiểu đi nhay nhảy. Từng hàng cây cà phê cao hơn tầm tay với xòe rộng tán lá che rợp con đường, càng vào sâu trong nương cà phê ánh sáng càng giảm đi, có đoạn con đường thẫm lại. Ông người Giẻ Triêng chẳng nói chẳng rằng chân bước lên phăm phăm đi trước. Tay lăm lăm con dao phát cây, chứng tỏ ông ta rất biết đường dẫn tới địa điểm mà bà Chiên nói lúc họ gặp nhau. Địa điểm bà Chiên có được trong giấc mộng báo chỉ đại khái nói là điểm cao 875. Họ đi vội vã. Vừa hết nương cà phê này lại chui qua một nương cà phê khác, tưởng chừng khắp nơi đây chỉ có cà phê với cà phê. Nhánh đường đất đỏ cũng lần lượt hiện ra như nó chẳng bao giờ chấm dứt. Ông người Giẻ Triêng vẫn lầm lũi đi trước dẫn đường và vẫn chẳng nói chẳng rằng như lúc họ mới gặp nhau. Hình như những người dân tộc đều ít nói? Chốc chốc ông lại quay mặt lại nhìn xem hai mẹ con bà Chiên đi theo có kịp không. Quay đầu lại nhìn hai mẹ con ông người Giẻ Triêng lại ngước nhìn bầu trời. Có vẻ như ông muốn nhắc đi nhanh kẻo không kịp tới nơi trước khi mặt trời lặn. Con đường mòn chạy xuyên những nương cà phê ướt sũng nước. Thằng Lợi đi khá khó khăn bởi nó chưa quen đi đường đất ướt. Mỗi bước chân của nó dường như ngày mỗi nặng nề. Đất đỏ dưới nền đường đã biến đôi dép của thằng Lợi thành một đôi dép có đế bằng đất dầy bám chặt. Lưỡng lự giây phút, thằng Lợi quyết định tụt dép đi chân trần giống ông người Giẻ Triêng. Quả tình những bước chân của nó đã nhẹ nhàng hơn và đỡ bị hút xuống đất hơn.
Ông người Giẻ Triêng vẫn phăm phăm đi với những bước đi chắc chắn. Người dân tộc hình như đã đi là đi một mạch cho tới đích chứ không ngần ngừ hay vừa đi vừa tính nghỉ. Tính cách của họ thật dứt khoát chứ không có tính lưỡng lự . Lần đầu tiên được gặp và được một người dân tộc Tây Nguyên đích thị dẫn đường đã làm bà Chiên hơi ngỡ ngàng. Bà cứ ngỡ những người dân nơi này chắc gì đã nhiệt tình tới mức bỏ cả việc nhà để đi giúp những người từ nơi xa đến. Bà nghĩ như vậy trong lúc đầu bà phân vân đặt ra bao câu tự hỏi. Những người dân tộc ở đây liệu họ có khắt khe hay tò mò không? Bây giờ cứ nhìn thái độ của ông người Giẻ Triêng này cũng đủ biết người dân tộc Tây Nguyên thật thà và không có tính thóc mách. Họ dường như không quan tâm đến thái độ dò hỏi của người đi theo mình. Họ dường như không muốn biết những người mà mình đang dẫn đi này ở đâu tới và nhằm mục đích gì.
– Bác ơi! Sắp tới chưa ạ?
– Dà. Đi mỏi chân thì tới thôi.
Thằng Lợi nghe vậy mà đầy ngao ngán. Với nó thì đôi chân đã mỏi nhừ từ lâu rồi nhưng với ông người Giẻ Triêng này mà mỏi chân thì còn xơi. Còn xơi nghĩa là nó còn phải gắng sức cố lên mà đi nữa. Chiếc ba lô học sinh trên lưng nó lúc này sao bỗng nặng ghê gớm dù thực tình tuy nó căng phồng nhưng cũng chỉ những thứ lặt vặt đơn giản và nhẹ. Thằng Lợi nhăn mặt ngán ngẩm luồn tay vén hai dây quai bô lô. Nó không dám nói tới chuyện xin được nghỉ ít phút. Nắng đã ngả sang chiều nhưng dường như những vạt đồi nương cà phê nối nhau còn chưa dứt. Điều này làm thằng Lợi thêm lẫn bấn.
Chiếc ba lô này do ông trưởng thôn cho mượn chứ nó làm gì có. Ngày bố nó, tức ông Thanh bị bắt đi, nó mới mười ba tuổi. Mười ba tuổi nghĩa là nó đang học lớp 7. Cái tuổi còn quá nhỏ để hiểu được sự đời nhiều phức tạp. Vậy mà nó hiểu. Đơn giản là nó không dám trở lại lớp học nữa bởi những ánh mắt bi phẫn và sự xa lánh của lũ bạn cùng lớp. Không đứa con gái hay thằng con trai nào trong lớp lại gần bên nó chứ nói gì chúng nghịch chơi với nó. Dại gì chơi với con của một kẻ “giết người”. Dại gì chơi để rồi những đứa bạn khác cũng tránh xa mình. Thế là thằng Lợi bỏ học. Nó bỏ học mặc cho mẹ nó nói thế nào cũng không nghe. Nó chạy một mạch từ trường về nhà. Nó chạy tút vào tận buồng rồi cài then trái cửa lại khóc dấm dức. Khóc cho tới khi bà Chiên đi làm về cứ tưởng nó mải chơi đâu mà bổ đi tìm. Bà chạy tìm khắp làng cũng không thấy thằng Lợi đâu. Bà đứng bần người giữa nhà mà lo lắng. Không hiểu thằng Lợi do mải chơi gì mà mãi tối rồi vẫn chưa về, hay là thằng này bỏ đi đâu thì khốn? Mấy hôm nay bà thấy nó buồn buồn ra mặt.
Cho tới khi con Lanh vào buồng lấy gạo nầu cơm mới thấy cửa buồng được cài then trái mới phát hoảng. Thằng Lợi khóc chán mệt quá ngủ tít mít. Con Lanh phát hoảng kêu mẹ tới, hai mẹ con nghe tiếng thở lẫn trong tiếng thút thít vọng ra mới bớt tá hỏa. Thằng Lợi bỏ học từ hôm đó. Tội nghiệp thằng bé nhưng bà Chiên cũng chịu. Bản thân bà cũng phải chịu nghe nhiều lời ong tiếng ve, mà toàn là những lời độc địa. Là người lớn, hơn nữa bà không vững thì hai đứa trẻ còn biết bấu bám vào ai. Con Lanh tuy cũng bị ghét bỏ lây nhưng nó thương mẹ. Thương mẹ mà cố gạt mọi chuyện bên tai để cùng mẹ lo chuyện đồng áng. Lúc này mà nằm nhà hay chạy trốn thì chết đói. Con Lanh nghe mẹ nó nói thế nên cũng gượng theo mẹ ra đồng. Nhưng thằng Lợi còn quá nhỏ. Nó quá nhỏ để có thể gạt được ưu phiền mà đứng lên.
Lại một vạt đồi nương cà phê nữa. Mùi hoa cà phê nồng nàn không xua được cảm giác mệt mỏi của hai đôi chân thằng Lợi. Bà Chiên với tay vỗ vỗ vào lưng ba lô. Bà muốn cầm giúp thằng Lợi chiếc xẻng mà nó đã vác suốt từ lúc rẽ vào con đường mòn chạy xuyên nương cà phê đến giờ. Với bà Chiên thì lúc này không thấy mệt. “Con cứ đi hết những vạt đồi thấp thì tới điểm cao 875”. Lời dặn dò trong giấc mộng báo làm bà thấy cái đích cần tới. Đã xác định được đích tới nên bà không thấy mệt. “Con tới nơi cha sẽ chỉ bảo tiếp”.
Họ rồi cũng vượt hết những nương cà phê. Đã thấy trước mặt dẫy núi xanh thẫm rậm rì cây lá. Mắt bà Chiên sáng lên. Lúc này ông người Giẻ Triêng mới bảo dừng lại. Họ phải vượt ngược lên đỉnh điểm cao 875 rồi mới sang được sườn đồi bên kia. “Cha nằm dưới chân điểm cao 875”. Bà Chiên thận trọng nhắc lại với ông người Giẻ Triêng như vậy.
Trời bắt đầu chuyển về chiều tối. Mặt trời đã thôi tỏa ánh nắng. Mặt trời đã mất hút sau dẫy núi phía tây. Cảm giác se se lạnh dần lan khắp cơ thể lúc họ ngồi nghỉ lấy sức vượt dốc. Ông người Giẻ Triêng bấy giờ mới ngừng hút thuốc. Suốt dọc đường đi luôn kèm bên tiếng thở phì phì là những làn khói thoát ra sau mỗi lần tiếng “bập bập” phát ra từ chiếc tẩu mà ông người Giẻ Triêng luôn ngậm lệch một bên miệng. Một người hút thuốc phát khiếp. Bà Chiên thầm nghĩ nhưng cũng thấy vui vui. Mùi khói thuốc tỏa về phía sau, về phía hai mẹ con bà khen khét làm không gian bên đường đi như được ai đốt củi sưởi lửa. Có thứ mùi vị ấy cũng làm ấm lên, làm không khí đỡ lạnh mát.
Ông người Giẻ Triêng dốc dốc nõ tẩu váo lóng bàn tay. Dốc xong ông tra tiếp một mồi thuốc rõ to vào đó. Chắc mồi thuốc này đủ tới chỗ mình phải tới? bà Chiên ước đoán. Nắng đã tắt hẳn. Bầu trời cao nguyên vụt cao cao và tải mênh mông. Bầu trời trong thanh nhè nhẹ đủ để tầm nhìn được rõ ràng. Về tối cao nguyên vẫn anh ánh sáng.
***
Điểm cao 875 nổi bật trên nền trời đã bắt đầu chuyển từ anh ánh sáng sang màu xanh đâm đẫm. Nó càng nổi bật cũng bởi vì giữa rất nhiều những vạt đồi lúp xúp nối nhau được phủ đầy cây cà phê thì điểm cao 875 nhô hẳn lên. Ánh sáng mặt trời chiếu dọi ban ngày dường như đã hút hết vào những cánh hoa cà phê và giờ là lúc những cánh hoa cà phê trắng tinh trả lại cho không gian màu trắng sáng ấy. Ông người Giẻ Triêng cười khà khà vẻ tự mãn nguyện, nụ cười đầu tiên kể từ khi họ đi với nhau đến giờ. Nụ cười hồn nhiên cũng làm bà Chiên chẳng biết mô tê nhưng cũng cười theo. Thằng Lợi thấy thế cũng nở một nụ cười. Nó đã bớt mệt. Đôi chân dù nghỉ ít phút nhưng cũng đỡ nặng nề. Gió thổi khoáng đạt, từng làn gió thổi trong buổi chiều tối chạy thung thăng trên những chùm lá cây cà phê. Đâu đây vọng lại những tiếng u oa bởi gió khi chạy thung thăng đã xoa xít những chùm lá xanh làm phát lên tiếng động. Lao xao như trăm ngàn lời nói khiến vẻ ban đêm đang chậm rãi tới gần bỗng như thân thiện hẳn.
Vượt qua một con suối cạn, dấu hiệu ngăn cách những vạt đồi nương bạt ngàn cà phê với điểm cao 875 mọc dầy những cây rừng cao lớn. Đoàn người cứ ngược thẳng lên đỉnh điểm cao. Phải ngược lên như vậy mới xác định được chính xác phương hướng. Ông người Giẻ Triêng nói như vậy và liên tục vung dao phát lá cây mở lối. Con dao phát cây từ trưa đến giờ mới có dịp phát huy tác dụng. Lá cây rừng phát tới đâu bàn chân của ông người Giẻ Triêng đặt tới đó. Hai mẹ con bà Chiên cứ tuần tự cắm cúi đi theo dấu chân của ông người Giẻ Triêng.
Ngược thẳng dốc lên đỉnh nên khá vất. Thằng Lợi nghiến răng cố gắng sức để khỏi tụt lại. Nói thực nếu bây giờ mà nó tụt lại thì chỉ có nước lạc trong rừng. Đường đi vừa đi vừa phát lá. Bây giờ bị tụt lại mà lạc thì chắc có nước chết. Nghĩ vậy nên thằng Lợi không dám nhụt ý chí. Ông người Giẻ Triêng dường như càng đi xa, dường như đường đi càng khó khăn, dường như trời càng tối thì ông càng dẻo dai. Mỗi bước đi của ông bao giờ cũng bắt đầu bằng một động tác vung dao lên phát lá. Người dân tộc dẻo dai quá. Bà Chiên thầm cảm phục.
Chừng hơn giờ đồng hồ ngược lên đỉnh điểm cao. Hơn một tiếng đồng hồ vất vả cuối cùng họ cũng lên tới đỉnh điểm cao 875. Trên này cây cối khá rậm rạp và bóng tối bủa bưng che mọi tầm mắt. Phía bắc là phía nào bây giờ? Bà Chiên lại thần người hoang mang. Bốn bề vây quanh là cây lá và bóng tối. Thật như lạc vào nơi chốn của sự bưng bít. Thằng Lợi thì lộ rõ vẻ thất vọng hơn mẹ nó. Với nó bây giờ chỉ toàn một màu đen của bóng tối.
Ông người Giẻ Triêng lại trở lại thái độ lầm lũi ít nói ban đầu. Ông bập bập liên tiếp mấy hơi thuốc rồi mới ngửa đầu lên nhìn trời. Hai bàn tay ông giơ thẳng hướng lên trời như đang nói lời cầu khấn với trời đất. Mà đúng là ông người Giẻ Triêng cầu khấn thật. Ông cất lên những câu nói bằng tiếng địa phương nghe rất ma mị và thành kính. Hồi lâu như vậy ông mới từ từ buông đôi tay xuống. Ông lại bập bập mấy hơi thuốc. Nõ của chiếc tẩu ngậm lệch bên miệng ông đỏ lừ lửa cháy.
Thả một làn khói thuốc sặc mùi khen khét, bấy giờ ông người Giẻ Triêng mới thong thả chỉ tay về phía trước mặt. “Phía bắc đó”. Bà Chiên nhớn mắt nhìn theo hướng tay chỉ của ông người Giẻ Triêng. Chỉ có màn đêm đen thẫm bưng bủa. “Từ đỉnh điểm cao 875 con đi xuôi xuống chân theo đúng hướng bắc. Tới gốc cây cụt có hình thằng người thì dừng lại. Cái cây này mới bị đạn pháo địch bắn cụt ngọn hồi sáng”. Bà Chiên nhắm mắt, khẽ thầm thì.
Cũng như lần đi ngược lên, lần đi xuống này ông người Giẻ Triêng lại lầm lũi đi trước. Lại vừa đi vừa vung dao phát lá cây. Nói thực lên dốc đã vất xuống dốc lại càng vất hơn. Cả thân người lúc nào cũng chỉ chực ngã dúi về phía trước. Từng bước chân chồn dồn làm đầu gối run bần bật. Thằng Lợi hết quờ tay bám cây rừng làm chỗ vịn lại lo lắng ngoái cổ xem mẹ nó đi đứng thế nào. Đoạn đường đi xuống hoàn toàn dựa vào cảm giác và trông cậy vào việc ông người Giẻ Triêng phát lá tới đâu. Mấy bận bà Chiên bủn rủn đầu gối chực ngã. Mấy bận bà vịn kịp được vào cây bên lối đi. Trong bóng tối che mắt họ lẳng lặng đi xuống chân núi.
Bà Chiên bỗng thấy hoảng hồn. Chân dốc đã trước mặt như lời ông người Giẻ Triêng vừa nói mà không thấy gốc cây cụt có hình thằng người đâu cả. Khắp quanh đây toàn những thân cây cao vút và xum xuê tán lá. Một thoáng chơi vơi trong lòng khiến bà trượt chân ngã khuỵu xuống. Chẳng cây cối nào cho bà kịp với tay đứng vững. Thằng Lợi cũng chẳng kịp chìa lưng đỡ mẹ. Bà Chiên ngã khụyu xuống nhưng rất may là bà không bị lăn trôi xuống dưới chân. Bà ngã khuỵu theo kiểu nằm bò ngay chỗ bà vừa run run chồn dồn đầu gối.
Chợt ngay bên sườn bà có gì đấy rung mạnh. Sự rung động chỉ có mỗi mình bà nhận ra bởi nó rung ngay trong túi áo của bà. Một thoáng lúng túng rồi bà cũng nhớ ra trong túi áo của bà có chiếc điện thoại di động. Bà cất nó ở đó và quên phắt rằng đã mang theo nó. Thực ra từ lúc rời nhà vào đây tới giờ bà có việc gì phải gọi điện thoại đâu. Ông trưởng thôn dặn khi nào gần về tới làng mới gọi kia mà. Con Lanh cũng thế. Bà đã nói với nó khoảng năm bảy hôm nữa mới gọi về nhà. Bà áng chừng tầm ngày đó hai mẹ con bà mới về mà.
Chiếc điện thoại rung hối thúc. Bà Chiên vội móc túi áo lấy nó ra. Thật kỳ lạ, màn hình điện thoại đang bật sáng nhưng không có tín hiệu nào cho thấy có người gọi vào máy. Hay là do lúc ngã khuỵu mình đè phải phím nào đấy? Hay là lúc móc túi áo mình lấn bấn đụng tay mở máy? Bà Chiên run run giơ chiếc điện thoại lên trước mặt. Ánh sáng trên màn hình điện thoại vẽ ra xung quanh một màu sáng nhờ nhờ. Ánh sáng yếu ớt nhưng cũng đủ cho bà nhìn được xung quanh là gì. Quái lạ, bà Chiên lẩm bẩm, cột báo sóng trên màn hình không hề có lấy nửa vạch. Quái lạ, chính bà đã nhắc thằng Lợi đặt cho bà chế độ ánh sáng màn hình chỉ có năm giây thôi mà. Không hiểu sao màn hình vẫn sáng lâu lâu như nó không muốn tắt.
Ngần ngừ giây lát để tự định vị linh tính mách bảo, bỗng bà Chiên nói thất thanh. “Đây rồi! Đây rồi! Ông cụ linh báo cho biết chỗ ông cụ nằm đây rồi!”. Như một phép nhiệm màu. Cả thằng Lợi, cả ông người Giẻ Triêng cùng đồng thanh reo lên mừng rỡ. Họ đã được linh báo rằng họ đã tới đúng chỗ cần tìm. “Cha nằm dưới đất sâu chừng một mét. Con nhớ nhé”. Bà Chiên quýnh lên cuống quýt. Người bà nóng hầm hập như đang lên cơn sốt. Không gian bỗng quang quẻ lạ thường. Chợt thoảng lên thứ mùi khen khét nhưng không phải là thứ mùi từ chiếc tẩu của ông người Giẻ Triêng.
Thận trọng và rất nhẹ nhàng. Bà Chiên đặt lên mảnh ni lông mà thằng Lợi vừa trải ra những thứ đồ mà bà đã chuẩn bị sẵn. Một nải chuối chín vàng. Năm quả cam cũng vàng ửng. Một tệp tiền vàng xếp ngăn nắp. Một bao thuốc lá và một lạng chè. Bầy xong những thứ đó bà Chiên mới nở nút chai rượu và rót đầy vào ba chiếc chén sứ. Lại thận trọng và thành kính. Bà Chiên cắm bảy nén hương xuống đúng chỗ đất mà bà vừa ngã khuỵu. Trong thâm u của rừng cây. Trong bóng đêm bưng bủa. Mùi hương trầm ngan ngát dần loang ra khắp xung quanh. Thằng Lợi vẻ hai hãi đứng nép bên người ông người Giẻ Triêng. Ông người Giẻ Triêng hình như đa quen với những tình huống như thế này nên không rằng không nói. Ông giắt con dao phát cây vào bên sườn rồi đưa tay cầm chiếc xẻng thằng Lợi đang giữ. Mọi cử chỉ của ông người Giẻ Triêng đều cho thấy ông đã sẵn sàng xúc những xẻng đất sau khi bà Chiên xong các thủ tục.
Dưới ánh sáng nhờ nhờ của màn hình điện thoại. Từng xẻng đất đỏ au được xúc lên và đổ gọn sang bên cạnh. Ông người Giẻ Triêng quả đúng như lời giới thiệu của chú tài xế. “Ông ấy đã nhận lời giúp mình là xong phéng”. Chưa đầy mười lăm phút cái hố xúc đất đã sâu một mét. Đất đỏ ướt mềm mềm lại khá tơi xốp nên việc xúc lên cũng thuận lợi. Bà Chiên vô cùng kinh ngạc khi độ sâu của cái hố vừa người đứng xúc tới khoảng cách một mét. Dưới đỏ màu đất đỏ au ban đầu đã biến mất. Nó nhường chỗ cho một lớp đất cháy đen. Mùi tanh tanh như mùi gỉ sắt của đất cháy đen bốc lên làm bà Chiên rùng mình lợm giọng. Bà ứa nước mắt xúc động.
“Thân thể cha đã tan hòa với đất. Con sẽ không tìm được xương cốt hay gì khác đại loại như xương cốt đâu”. Bà Chiên lại lẩm nhẩm những lời nói bà đã nghe được. Nhưng làm thế nào bây giờ? không tìm được xương cốt thì biết mang gì về làng cho gọi là đã đón được ông cụ? Những băn khoăn dồn dập đưa tới khiến tâm can bà bấn loạn. Ông người Giẻ Triêng cũng cảm thấy lúng túng. Dưới lòng hố chỉ còn lại toàn thứ đất cháy đen và tanh tanh như mùi sắt gỉ.
“Ở dưới lớp đất cháy đen còn có một thứ quà nhỏ. Con hãy lấy nó lên và mang về. Đó là quà cha gửi cho thằng Thanh, chồng con. Nó thích thứ quà đó lắm”. Thật nhẹ nhàng như sợ làm hỏng một thứ đồ vật dễ vỡ, ông người Giẻ Triêng từ từ đưa từng lưỡi xẻng lách bóc lần lần qua lớp đất cháy đen. Lại cũng vô cùng kinh ngạc khi ông đưa lên mặt đất một vật thể lạ. Đó là một chiếc ăng gô bằng nhôm không hề méo mó hay gỉ thủng, vỏ ăng gô sám đen. Mở nắp ăng gô ra, mọi người cùng thất kinh khi trong đó là một gói ni lông nhỏ gấp vuông vức, khá chặt chẽ và chỉ to bằng cỡ bàn tay. Gói vải tăng ni lông bộ đội qua năm tháng vẫn nguyên vẹn không hề mục rách. Mọi người lại nhanh chóng tháo giở chiếc gói ni lông đó ra. Qua ánh sáng của màn hình điện thoại di động. Một chiếc mũ tai bèo bộ đội giải phóng vẫn còn tươm tươm và cũng không hề mục rách, không hề biến màu. Quá kinh ngạc và khâm phục sự linh ứng đến diệu kỳ mọi người cùng chấp tay khấn bái.
Ông người Giẻ Triêng đưa tay gạt những giọt nước mắt đang lăn trên gò má. Không ngờ cái ông dân tộc cả ngày chẳng nói năng gì lấy hơn một câu nói này lại xúc động thực sự. Bà Chiên vừa mếu máo khóc gọi tên liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến vừa giục thằng Lợi xúc ba xẻng đất cháy đen. Bà thanh kính gói ba xẻng đất cháy đen đó vào vuông lụa đỏ. Bà gói rất khẽ khàng như sợ làm đau ai đó. “Con hãy mang chút đất cháy đen này về đồng làng mình. Cha được như vậy là toại nguyện lắm.
NGUYỄN TRỌNG VĂN
(Còn tiếp)
>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 1
>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 2
>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 3
>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 4
>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 5
>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 6
>> Tiếng con chim lợn kêu ngang qua – Kỳ 7