Chương bảy
Niên hiệu Thái Bình, đúc tiền Hưng bảo
1.
Một hôm, Đinh Điền lên thị sát Thung Lau, Thung Lá, lúc trở về đến bến Long Độ thì gặp bọn Phạm Bạch Hổ, Lưu Cơ cũng đi tham quan Tri Hối, Thần Thiệu cùng về qua đấy. Bạch Hổ nhìn dòng nước xanh trong, chảy giữa đôi bờ núi đá, nói câu ngẫm ngợi của viên tướng từng trải qua bao chiến trận:
– Nào ai biết được dưới đáy sông kia, bao gươm chìm giáo gãy…
– Còn cả xương cốt binh lính, với những ông trâu, bà ngựa đã bỏ mình vì công nghiệp của Hoàng đế, – Lưu Cơ nói dừa theo.
Điền bước lên đò, còn ngoái sang hỏi Cơ:
– Tại sao mà hiền đệ ta lại chưa đặt niên hiệu nhỉ?
– Cái này cũng tùy, – Cơ tìm kế hoãn binh và loay hoay ngồi xuống sạp thuyền.
– Thời anh em ta học thầy châu Hoan, có nói là khi vua lên ngôi thì đặt niên hiệu luôn để đánh dấu mốc cơ mà, – Điền ngồi lên cái thuyền, duỗi chân vẻ khoan khoái, nhưng trong lòng vẫn chưa thông.
– Thì tướng quân cứ tâu lên Hoàng đế phán xét, – Hổ ngồi cạnh, nói.
– Ta mà lên ngôi hôm trước, hôm sau đặt niên hiệu ngay cho thiên hạ xem, – Điền bô bô như chốn không người.
Cơ và Hổ lè lưỡi kinh hãi.
– Nhưng sao hôm nay, tướng quân lại nghĩ đến chuyện này nhỉ? – Cơ thắc mắc, hỏi lại.
– Thì tại cái thằng Quản động Thung Lau làm tờ tấu chương, bẩm báo về chuyện sở tại, nhưng không biết ghi niên hiệu thế nào, chẳng lẽ lại lấy là Tống Khai bảo năm thứ ba à? Có mà thiên hạ cười chết, – Điền được dịp, tuôn ra hàng tràng những điều ấm ách trong lòng.
Con đò lặng lẽ đè sóng, qua sông. Các tướng mỗi người theo đuổi một ý nghĩ.
Chẳng biết làm sao mà cái chuyện ở bến đò, lại đến tai Đỗ Thích. Thích mách Hoàng đế. Hoàng đế bực quát tháo, bọn này dễ chừng rế cao hơn nồi? Hổ nghe vậy, sợ hãi bảo là Điền nói. Điền đến gặp Hoàng đế chìa bản tấu của Quản động Thung Lau ra. Hoàng đế hiểu ra cơ sợ, mới hỏi Cơ xem nên thế nào? Cơ bảo, chưa rõ ý Hoàng đế ra sao? Cái kiểu loanh qua loanh quanh làm Điền bực, quát:
– Đứa nào gièm pha, đánh róc xác ra, kẻo loạn việc quân!
– Ấy chớ, – Hoàng đế có ý bênh Thích, nên gạt đi, – thì cũng phải hỏi cho ra môn ra khoai thôi mà.
– Thế thì tiện thể, chú đặt luôn cái niên hiệu cho xong, – Điền nói thẳng như ruột ngựa.
– Phải hỏi Lưu Cơ có chữ nghĩa, chứ anh em mình cũng chỉ được nửa cái chữ chứ mấy? – Hoàng đế nói vẻ khiêm nhường.
– Nửa chữ, gọi là một chữ bẻ đôi, – Điền ra vẻ hiểu biết, lên mặt dạy đời.
Nghe vậy, Hoàng đế cười ruồi, không nói.
*
Nhớ có lần, khi được Hoàng đế hỏi về việc đặt niên hiệu, Lưu Cơ, bèn tâu:
– Khi xưa, nhà Tần sụp đổ, Triệu Đà là một viên huyện lệnh người Việt, đã lãnh đạo dân Việt phía nam sông Dương Tử(1), lập ra nước Nam Việt. Nam Việt diệt An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc. Tức thì, văn hóa Hán được cơ hội tràn ngập xứ Nam, từ thuở ấy. Triệu Đà xưng đế, gọi là Triệu Vũ Đế, hay còn gọi Nam Việt Vũ Vương, Nam Việt Vũ Đế. Nam Việt lúc bấy giờ, phía bắc từ núi Nam Lĩnh(2), phía tây đến Dạ Lang(3), phía đông đến Mân Việt(4), phía nam đến dãy Hoành Sơn(5). Kinh đô Nam Việt đóng ở Phiên Ngung(6).
– Chuyện về Triệu Đà, ta được thầy học, bảo là người huyện Chân Định, quận Hằng Sơn(7), đời Tần, thọ những một trăm hai mươi tuổi. Triệu Đà thôn tính cả vùng rộng lớn, ví như lá cờ đại; trong đó, xứ ta chỉ như cái tua mà thôi. Ông ta xưng đế, nhưng không thấy nói đến niên hiệu, nên ta phân vân, chưa quyết.
Nghe vậy, Cơ buột miệng “à” lên một tiếng, nghĩ bụng, thì ra, không phải Hoàng đế nông nổi, mà chỉ có Đinh Điền là phổi bò.
– Có khi, ta cũng phải đặt một cái niên hiệu cho chính danh, nhề? – Hoàng đế bảo, – nhưng nên là gì?
– Thần trộm nghĩ, – Cơ tâu, – Hoàng thượng dẹp loạn bấy năm, đem lại cảnh thái bình thịnh trị cho muôn dân bách tính, hay là, cứ lấy điều ấy mà đặt lại hợp cảnh hợp tình.
– Thái bình! – Hoàng đế tươi nét cười, vung tay nói như phán.
Sử chép: Vào năm Canh Ngọ (970), thời nhà Tống, năm Tống Khai bảo thứ ba, Hoàng đế Đại Cồ Việt là Đinh Hoàn đã đặt niên hiệu Thái bình, năm thứ nhất.
2.
Dân chúng được hưởng thái bình, gắng sức khai mương làm ruộng, đắp đường dựng cầu, nung gạch xây thành. Trên mỗi viên gạch xây thành đắp lũy đều khắc chìm mấy chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”. Nghề làm gốm, sứ cũng học cách chế tác bát, chén, bình, nồi, lọ, bình vôi, cho đến con giống, như lũ trâu, cóc rỗng ruột… Nặn xong thì phơi cho khô, rồi đắp lò mà chất củi nung, cứ hễ nhìn thấy lửa khói trắng như tán hoa là được. Chẳng bao lâu, sản vật dồi dào, thành quách vững chắc. Hoàng đế bèn nghĩ đến chuyện đúc tiền. Thấy là việc hệ trọng, từ xưa chưa có bao giờ, nên phải thiết triều, hỏi ý kiến các quan tướng.
– Đỗ Nội nhân có kê cho trẫm một bản ghi các thời vua, từ Ngô Tiên Vương năm Kỷ Hợi (939), đến Giáp Thìn (944); Dương Bình Vương từ năm Ất Tỵ (945), đến Canh Tuất (950); Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương, từ năm Tân Hợi (951), đến năm Ất Sửu (965); thời Thập nhị sứ quân từ năm Bính Dần (966), đến năm Mậu Thìn (968), nước loạn, không có vua. Trong ngần ấy năm, có khi trước nữa cũng chưa có tiền, dân ta phải tiêu tiền Hán, Đường. Đúng không, Lưu tiên sinh?
Nghe Hoàng đế trịnh trọng hỏi, Cơ vội chắp tay cung kính tâu:
– Quan Chi hậu nội nhân kê biên như thế là chưa đủ, còn thiếu trước, hụt sau.
Đỗ Thích nghe vậy, nhíu mày, có vẻ bực tức, nói vóng lên mà không thưa gửi gì sất:
– Thiếu, hụt là thế nào?
– Thực ra, có khi quan Chi hậu nội nhân quên, chứ không phải là không nhớ. – Cơ nói khéo, nghe có tiếng các tướng khúc khích cười, – tỷ như, từ năm Mậu Thìn (968) đến nay là triều Đinh Tiên Hoàng đế trường tồn.
Các quan ồ cả lên, khiến Hoàng đế phải giơ tay làm hiệu mới im.
– Hơn ba nghìn năm trước, nước ta có tên là Xích Quỷ, thời Kinh Dương Vương, – Cơ nói vanh vách như đọc sách.
– Xích Quỷ, nghe ghê răng…, – Thích đá ngang.
– Xích là sắc đỏ, lại chỉ phương nam. Quỷ là sao Quỷ, một ngôi trong thập nhị bát tú. Vậy, Xích Quỷ nghĩa là ngôi sao quý có sắc đỏ rực rỡ, thế là đẹp mà sang trọng. Kế đến là nước Văn Lang thời Vua Hùng, Âu Lạc thuở An Dương Vương, rồi đến Nam Việt lúc Triệu Đà đến xứ ta, đóng quân ở mạn Tiên Du. Rồi đến các thời Giao Chỉ, Lĩnh Nam, Giao Châu, Vạn Xuân, An Nam, Trấn Nam, Tĩnh Hải Quân… với hàng nghìn năm Bắc thuộc. Tất thảy, đều tiêu tiền ngoại cả. Nước ta, tịnh chưa đúc được đồng tiền nào.
– Nay nước yên, dân đã có bát ăn bát để, nước Đại Cồ Việt phải sánh vai với Nam Hán, Bắc Tống, kinh đô Hoa Lư cần so đo với Tràng An. Trong dân có thợ khéo, biết rèn sắt, đúc đồng, kéo bạc, dát vàng… Vậy, chẳng nhẽ, không đúc được tiền sao? – Hoàng đế nghiêm giọng hỏi.
Các tướng xôn xao bàn bạc. Hồi lâu, Trịnh Tú đứng ra lãnh việc đúc tiền, nói:
– Đồng tốt ta có sẵn, thợ khéo ta có nhiều, xin Hoàng thượng giao cho thần. Ví bằng hỏng việc lớn, thần xin cúi đầu chịu tội,
– Thế thì còn gì bằng, – Hoàng đế như cởi tấm lòng. – Trẫm cũng có ý như thế, hẳn Trịnh tướng quân đoán được. Trẫm đặt tên là Thái bình hưng bảo.
Các tướng ồ lên tán thưởng.
Lưu Cơ đưa ra mẫu, cắt bằng giấy phất nhiều lớp, to bằng hạt gấc, dày bằng sống gươm.
– Đồng tiền hình tròn, tượng trưng cho bầu trời. Ở giữa có lỗ hình vuông, tượng trưng cho mặt đất. Trời tròn đất vuông là cái sự vậy. Mặt phải in bốn chữ “Thái”, “bình”, “hưng”, “bảo”, mặt trái in chữ “Đinh”. Đúc nét chữ nhỏ li ti như con kiến thế này, khó chứ không phải bỡn đâu nhá!
– Xem chừng dày quá, tốn đồng mà lại nặng túi, – Tú nói.
– Chỉ dày phân nửa là vừa, – Bặc ngắm nghía đồng tiền mẫu, vẻ thích thú như chơ trò đánh đáo lỗ.
– Được, cứ làm thử, rồi lại sửa. Thế nào dân ta cũng có tiền ta để tiêu dùng. – Hoàng đế phán, – đúc chữ cho sắc nét quả là khó đấy. Nhưng cứ đúc vài ba loại to, nhỏ khác nhau, rồi thì loại có chữ, loại trơn không có chữ cũng được.
– Không có chữ, mất thiêng, tiền vua cơ mà! – Tú phân vân.
– Cứ theo ý chỉ Hoàng thượng, đúc cả loại trơn cho trẻ con đánh đáo, – Điền xởi lởi nói.
Nghe vậy, các quan lại cùng cười ồ cả lên.
4.
Dân phiêu tán thời loạn lạc, nay yên hàn trở về lập làng mới, khai khẩn ruộng nương, cấy lúa, nuôi trâu, thả dê, chăn tằm… Nông dân còn được cấp thêm ruộng đất, đến mùa thu hoạch thì nộp thuế bằng thóc. Bọn tù binh, kẻ có tội phải đi canh điền ở Bố Hải Khẩu, Đỗ Động làm ra thóc lúa nộp vào kho triều đình. Tất cả ruộng đất của các sứ quân đều bị thu lại làm ruộng tịch điền của nhà vua. Bãi bỏ việc cấp ruộng cho người có công trạng. Binh lính sau khi huấn luyện được cho về làm ruộng, khi việc quân cần kíp mới gọi ra.
Một hôm, Hoàng đế bảo Lưu Cơ:
– Trẫm muốn xuất hành một chuyến, xem dân chúng sinh sống ra sao?
– Muôn tâu bệ hạ, có lẽ, chẳng gì hay hơn là vi hành, – Cơ đắn đo nói.
– Vi hành? Hay, đúng ý trẫm, nhưng đi đâu? – Hoàng đế gặng hỏi.
– Ra chợ phủ. Chả đi đâu hay bằng ra chợ, – Cơ nói vẻ tự tin.
– Nhưng ai chẳng biết trẫm. Cả gầm trời này, chỉ có trẫm là Hoàng đế, ló mặt ra là dân xúm đen xúm đỏ lại ngay, còn vi hành nỗi gì? – Hoàng đế nói vẻ thất vọng.
– Bẩm, bệ hạ đóng giả như dân thường, để thần lo cho, – Cơ sốt sắng.
Bọn thị vệ cũng đóng giả dân thường, đứa lảng vảng đầu chợ, kẻ kèm bên Hoàng đế, phòng thích khách.
Chợ kinh thành họp dưới chân núi Chợ, là nơi tiêu tiền Thái bình hưng bảo đầu tiên trong cả nước Đại Cồ Việt. Chợ to, ven núi là nơi bán trâu và dê. Có tay nào đó nghịch ngợm, lấy bã trầu bôi vào đít dê cái, khiến bọn dê đực khoái, tranh nhau nhảy liên hồi kỳ trận. Các bà, các cô nom thấy thì ngượng, phải che nón rảo bước. Bên sông Sào Khê là bến bán thuyền nan, thuyền thúng, tràng câu giăng, nơm, giậm. Giữa chợ là hàng sáo bán gạo đong bằng thưng, bán thóc đong thúng khảo. Rộn ràng tiếng gõ loong coong leng keng là quầy bán dao, cuốc, lưỡi cày chìa vôi bằng đồng, nồi đồng, chã đất… Ai mua cũng giơ lên gõ thử, để xem lành hay rạn:
– Rạn hay sao ấy? – một cô vừa ghé tai vào cái nồi đồng, vừa gõ nhẹ như bắt mạch, nghi hoặc hỏi.
– Rạn là rạn thế nào, có cô rạn thì có. Tiếng trong thế vầy, – ông chủ quán đặt hẳn chôn nồi lên năm đầu ngón tay và gõ cho cả chợ nghe.
– Phải gió cái nhà bác này, ăn mới chả nói, – chê vậy, nhưng cô ta vẫn cởi khăn bao lưng, xỉa tiền ra lòng bàn tay mà đếm. – Làm thân con gái thì phải biết chê chứ!
– Trông thế mà tròn căng, mới ra phết, – ông chủ quán nói kiểu ỡm ờ.
– Phỉ phui cái mồm, tiền vua Đinh mới ra đấy! – cô ta ấn mấy đồng tiền có chữ lần tiền trơn vào tay chủ quán, rồi quầy quả rảo bước.
– Này, đừng có mà dại gái, rồi mất cả chì lẫn chài. – Bạn bán hàng trêu, – xem lại có thiếu đồng tròn nào không, hay chỉ được đồng méo?
Nghe vậy, kẻ mua người bán cười ầm ĩ cả góc chợ. Bọn trẻ còn để trái đào, vừa bám váy sồi của mẹ, vừa hếch mắt lên hóng chuyện, nên bị lôi xềnh xệch, như thể dắt chó lên dốc.
Kế đó là hàng của mấy bà lão vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa bán cau đậu, trầu tấm, vỏ già, bình vôi. Xúm quanh chỉ rặt các bà, các cô. Mấy chàng thư sinh mặt trắng cũng lượn lờ, nói câu chòng ghẹo:
Cô kia ăn giầu dẩu môi
Ví bằng muốn lấy thân tôi thì về
Nhà tôi sách giấy tứ bề…
– Sao không biết nói câu “hưởng lộc bề bề”, phải biết ơn vua chứ? – Cô gái đang ăn trầu, dẩu môi nói.
Một cậu xướng lên:
Ơn vua anh dựng đồn điền
Đón nàng kháu gái như tiên đi đồng… À quên, thăm đồng.
Mấy cô đấm lưng nhau, cười ngặt nghẽo:
– Rõ là học trò, lanh trí ra phết, nhưng mà hỗn lắm, – rồi cô ăn trầu dẩu môi, vóng lên:
Kẻng giai mấy cậu học trò
Nhìn thấy con bò lại bảo rằng trâu.
Bọn học trò lại hùn nhau, trổ tài:
Cưỡi trâu anh phất cờ lau
Cõng nàng chơi núi, kiếp sau mới về.
Các cô lại bíu vào nhau, cười nghiêng cười ngả.
Hoàng đế thấy vậy, bảo:
– Hẳn là bọn học trò trong thành. Bọn này ăn nói luông tuồng. Hôm nay, không phải buổi vi hành thì chết đòn…
Hàng tấm có bán tơ lụa, váy sồi, yếm thắm. Ai đến cũng ướm thử, ngắm đi ngắm lại, nom đến sốt cả ruột. Rồi thì hàng bánh đúc, riêu cua, bánh lá. Mấy ông đang ngồi bên chõng tre, nhâm nhi nậm rượu với đĩa lòng lợn, bát tiết canh. Suýt nữa thì Hoàng đế ghé vào, may bọn Phạm Cự Lạng vội kéo áo. Hoàng đế bèn nói câu đánh trống khỏa lấp:
– Cứ ra chợ là thấy ngay miếng cơm, manh áo dân chúng…
– Phải, no hay đói, đủ hay túng, đều bày cả ra mặt chợ, – Lạng trổ tài biện bác.
Hoàng đế sực nhớ ra thân phận, chỉ gật gù, không dám nói, sợ dân chúng nhận ra thì phiền.
Về đến hoàng cung, Hoàng đế mới tháo khăn bịt râu, cởi áo ta ra mà cười nói ầm ĩ, như thể vừa thoát ngục vậy:
– Gớm cho mấy ông, canh trẫm như canh tù. Mà tay Lưu Cơ, nghĩ cũng bợm ra phết!
– Chúng thần phải bảo toàn long thể, sơ sẩy là mất đầu như bỡn, – Lạng nói câu thanh minh.
– Dân chúng đều tiêu tiền nhà Đinh cả rồi, không dùng tiền Hán, Đường nữa, – Cơ hồ hởi nói.
– Phải, mà lạ, tiền in chữ nổi Thái bình hưng bảo hẳn hoi, mà dân chúng cứ gọi là tiền vua Đinh? – Hoàng đế vẻ tự hào, tung mấy đồng lên cho rơi xuống nền điện lát gạch, để nghe tiếng kêu leng keng cho vui tai, rồi lớn tiếng trách yêu, – tiền nhiều thế này mà không được mua cút rượu, đĩa lòng, bát tiết canh như mấy lão nông, ngư phủ. Làm vua như ta, bị quân bay bóp mồm bóp miệng quá thể.
Nghe vậy, cả bọn cùng cười ầm lên.
5.
Biết ý Hoàng đế thích cô gái ăn trầu dẩu môi, đối đáp hơn người, ngoài chợ phủ, Đỗ Thích đã nháy mắt cho mấy tên lính bám theo, xem cô ta là người ở đâu, gia cảnh thế nào, có thể chọn vào cung hầu Hoàng thượng được không? Lại nữa, Đỗ Thích cũng bảo bọn chúng, xem mấy thằng học trò ngộ chữ kia là con cái nhà nào?
Bọn lính giả làm người đi chợ cùng về một thôi đường, cũng chít khăn mỏ rìu, quần xắn móng lợn, khoác tay nải trễ vai. Cả bọn lẵng những bám theo đến tận làng Trung Trữ, mới thấy cô ả nhấc cành tre, rẽ vào cổng nhà. Nhà chỉ có một mẹ một con. Nhưng cô ả đã có anh lính coi kho mễ cốc ở đây, bỏ trầu dạm ngõ rồi. Hỏi đến tay lính kia, mới hay hắn tên Tráng, người cùng quê tướng quân Lê Hoàn. Buổi nay, Tráng đi cày ruộng cho nhà cô ả.
Cô ả lúi húi nấu cơm, rồi tất tả ra đồng. Bọn lính liền bám theo, đến xứ đồng Hộ Thổ, ven Ngòi Rượu, gặp hắn đang giong trâu vác cày về. Cô ả bẽn lẽn gọi:
– Ai ơi, về ăn cơm!
– Cơm ai nấu? – Tráng ỡm ờ hỏi lại.
– Ai nấu, chứ còn ai? – Ả đỏ mặt ngượng ngùng, đáp trống không.
Bọn lính nấp bờ tre, nghe đối đáp mà phì cười. Đợi Tráng đến gần, bọn lính thấy cái lưỡi cày bằng đồng, trên mặt lưỡi gồ lên kiểu sống trâu, tên lính vờ hỏi:
– Sao lại làm thế vầy?
– Để cho vững thôi, như thêm cái xương sống ấy mà. Vả, lúc cày thì nó xẻ đất ra luôn thể.
– Làm sao mà có, quý lắm đấy, – tên lính thả mồi đánh bài lừa.
– Tớ lấy trong trận đánh Cổ Loa, – Tráng thật thà đáp, không ngờ mắc phải mồi câu.
Thích cho gọi Tráng lên, hoạnh về chuyện lấy đồ binh khí mang về dùng riêng, phạm quân luật.
– Tôi chưa bao giờ lấy binh khí của triều đình, – Tráng cãi.
– Lưỡi cày đồng có đánh giặc được không? – Đỗ Thích hỏi.
– Giặc cướp vào, phàm cái gì vào tay mà chẳng đánh được? – Tráng ngây thơ hỏi lại.
– Phàm là đồ đánh giặc, đều là binh khí hết! – Thích khảng định, cột chặt cổ Tráng vào tội tày trời.
Tràng ngớ người, chịu tội, nhưng trong lòng không hiểu nguyên do làm sao mà ra nông nỗi.
Bặc biết chuyện, can ngăn:
– Thiếu gì gái đẹp mà phải vơ bèo vạt tép. Vả, chồng chưa cưới của ả lại là đồng hương tướng quân Lê Hoàn, không khéo rút dây động rừng?
– Cứ lấy về cung cái đã, chả việc gì sất cả! – Thích ngang ngạnh, nói câu lấy lòng Hoàng đế.
– Bắt vợ nó vào cung. Nó khùng lên thì làm sao? Bắt bò được nó à? “Hộ, hôn, điền, thổ vạn cổ chi thù”.
– Nọc nó ra, đánh năm mươi roi! – Hoàng đế, quát to.
– Tội vạ gì đâu mà đánh người ta? – Bặc ngạc nhiên hỏi lại.
– Thì cứ đánh cho bõ tức cái đã, định tội sau, – Hoàng đế xuống chỉ, rồi hậm hực bỏ vào hậu cung.
Tráng bị đánh tóe máu, ôm mông lê bước ra bến Đền, gọi đò chở về, qua Sào Khê, ra Hoàng Long, rẽ nẻo ngòi Khấm, chuyển sang ngòi Rượu, rồi ới bọn lính canh kho mễ cốc cõng về. Bọn lính đồng ngũ kinh hãi, hỏi rằng sao. Tráng mới nói lại như thế, như thế, khiến chúng càng ngờ vực bội phần. Một đứa bảo:
– Dễ chừng, tại vợ mày kháu gái quá cũng nên?
Nghe vậy, Tráng đờ người ra, suy tính mông lung. Tháng sau, lành vết thương, mới lên kinh đô, báo lại với Lê Hoàn như thế, như thế. Lê Hoàn cho người dò hỏi, mới biết câu chuyện Hoàng đế vi hành chợ phủ, gặp cô vợ chưa cưới của Tráng, mới ra nông nỗi.
– Ối giời! – Tráng đấm ngực thốt lên đau đớn.
– Vua thì làm gì chẳng được!
Lê Hoàn nói khích một câu như vậy, rồi cho Tráng mấy trăm lạng bạc và một xâu tiền Thái bình hưng bảo. Nhưng Tráng chỉ nhận túi bạc, chứ không lấy xâu tiền vua Đinh. Lê Hoàn khen Tráng là người khí khái.
Mình cầm quân trăm vạn, thế nghĩa là Hoàng đế tin dùng như người nhà, nhưng cũng sẽ khiến khối kẻ gièm pha, nếu không thận trọng trong lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động, thì không những bị truất quyền mà còn nguy đến tính mạng, Lê Hoàn nghĩ. Bởi thế, việc thằng Tráng cũng chỉ vầy vậy thôi, mặc xác nó, có thân thì lo, có vợ thì giữ, không ai làm thay được. Nhưng cứ để cho nó một chữ ân, khi cần dùng đến cũng không muộn.
Chương tám
Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu
1.
Độ này, thấy phép trị nước có phần rối loạn của Hoàng đế và sự tác quái của Dương Hoàng hậu, ảnh hưởng sự trường tồn cơ nghiệp nhà Đinh, nên bọn Tứ trụ triều đình gặp nhau, tại tư dinh của hoàng huynh Đinh Điền mà bàn bạc, ngõ hầu gỡ rối cho Hoàng đế.
– Chúng ta được Hoàng thượng coi như bộ tứ, cái ơn ấy, dẫu có gan óc lầy đất cũng không thể báo đáp được. Thế mà, nay thấy mây che đỉnh núi lại không vén lên, nhìn nước lũ ập vào chân tường mà không chặn lại, thì chẳng thẹn lắm sao?
Nghe Cơ nói vậy, Điền bồn chồn:
– Tôi chẳng hiểu ông Cơ nói cái gì? Cứ lòng và lòng vòng như ngựa đực ve ngựa cái. Đã là anh em tâm phúc, thì cứ nói thẳng ruột ngựa ra xem nào?
– Tôi cũng hiểu tâm sự của chú Cơ, – Bặc nói. – Có điều hệ trọng, nên thăm dò ý tứ cũng là lẽ tự nhiên, bác Điền bớt nóng.
– Chắc lại cái chuyện Dương thị hạ lệnh phá hoa quỳnh chứ gì? – Tú nói, – cho lớn cũng là lớn, bảo nhỏ cũng là nhỏ, chẳng cần báo quan.
– Ôi dào, tưởng gì? – Điền bộp chộp, – đấy là cái quyền của thím ấy. Làm Hoàng hậu, có khi cũng phải ra oai một tẹo, cho thiên hạ kiềng.
– Không hẳn thế, – Bặc lại nói. – Cứ để chú Cơ nói ngọn ngành xem đã nào?
Mọi người giục, Cơ phải nói:
– Bác Đinh Hoàn đăng quang mới được bốn cái tết. Ngần ấy năm, với bé sơ sinh mới lên bốn, vẫn còn trẻ con, nhưng măng tre thì đã ấm bụi…
Điền giậm chân, vẻ sốt ruột. Cơ nhìn thấy, nhưng lờ như không, vẫn từ tốn nói:
– Nhưng với một triều đại, ngần ấy năm phôi khai thì then máy đã vào đường nền nếp mất rồi, để lâu nữa là khó cải biến. Cái được là xưng đế, định đô, đặt tên nước, niên hiệu, rồi miễn thuế, tha tù, khai khẩn đất hoang, cấp ruộng cho kẻ khó, ngụ binh ư nông… Xem thế cũng hội đủ cả nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đối với bàn dân thiên hạ rồi. Đấy là cái sự vui, ai cũng nói được. Nhưng còn cái sự khiếm khuyết thì mấy ai dám nói, ví bằng không phải chỗ thân cận.
– Thì chú cứ nói huỵch toẹt ra xem nào, lấm rửa lệch kê, – Điền thở dài, tỏ ý nghe nhàm tai mãi những chuyện tung hô công đức ấy rồi.
– Tôi xin nói hai việc một cũ, một mới. Việc đặt hình phạt dữ dằn, khiến dân chúng sợ mà phải theo, chứ không phải vì tôn trọng mà phục tùng. Chuyện Dương Hoàng hậu về quê phá hoa, gây bao điều thị phi, không chỉ ở quê hương bản quán, mà còn lan vào tận kinh đô. Đúng là có việc bảo nhỏ là nhỏ, bảo lớn là lớn. Đối với dân làm thế cũng không phải nhỏ, huống chi là…
– Thì bác Điền lấy quyền huynh trưởng, bác Bặc lấy quyền bằng hữu mà bảo với hai bác ấy, – Tú nói như chuyện việc nhà thứ dân, chứ không phải chuyện triều đình.
– Không phải là thế, – Cơ vội thanh minh. – Ý tôi là chúng ta phải bàn chuyện giáo hóa dân chúng, ngõ hầu an dân trị nước.
– Quả là hệ trọng, – Bặc ngộ ra. – Vậy phải làm sao?
– Tôi thấy xứ ta, dân theo đạo Phật thì lành, dễ bảo, ít phạm điều ác, – Cơ nói điều tâm huyết.
– Lập đền thờ Phật à? – Điền hỏi ngang một câu.
– Cái sự này, thiển nghĩ, nên bàn với Hoàng thượng nhà ta, mời Hòa thượng Ngô Chân Lưu, ở Đại La về, bày cách cho, – Cơ nói rành rẽ. – Năm xưa, tôi với anh Liễn đã từng gặp Hòa thượng ở chùa Khai Quốc, bên đầm Xác Cáo. Đấy là cháu nội của Ngô Quyền Tiên Vương, con trưởng của Tiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, anh cùng cha khác mẹ với Ngô Xương Xí. Trước đây, Hòa thượng theo học đạo Nho, về sau theo Phật, học trò của thiền sư Vân Phong.
– Sợ nó thù mình, cái tốt chẳng truyền, lại tuồn điều xằng bậy vào, lợi bất cập hại, – Điền thực thà nói. – Tôi biết, nó với thằng Liễn chả ưa gì nhau.
– Tôi cũng có nghe người này, tu hành theo dòng Quan bích, tức là nhìn vào bức vách mà tụng niệm, danh tiếng cũng đã vang danh bốn cõi. – Tú quay sang Điền nói, – người tu hành, không mấy khi làm điều ác đâu. Tôi nghe chuyện nhà Phật lắm ly kỳ. Cũng như cái đám quan tướng Tây Phù Liệt chết trận, dân vớt cây gỗ trôi sông lên tạc tượng thờ, bày ra cái sự thần bí, gọi là “Diệu cây trôi”.
– Tay này thì sao? – Điền sốt ruột hỏi.
– Tôi được giao việc dựng cung, xây thành, tự dưng liên quan việc tìm gỗ, đá. Dân kể, Hòa thượng Chân Lưu vào núi Vệ Linh, thấy cảnh đẹp, muốn lập đền thờ. Đêm mơ vị thần mặc áo giáp vàng, tay cầm thương vàng. – Quay sang Bặc, Tú lỡm, – thương bác Bặc là huyết đương thương, còn loại vàng thế này, không biết gọi là gì? – Thấy Bặc lặng thinh, Tú cười nhạt, lại nói, – giấc mơ đến đâu rồi nhỉ? À, đến chỗ tay cầm thương vàng, tay đỡ bảo tháp, tự xưng là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, báo mộng mở cương giới, trấn hưng đạo Phật. Thế là sáng ra, nghe trong núi có tiếng kêu la, bèn vào xem, thì thấy một cây cao mười trượng, cành lá xum xuê, có mây xanh bao phủ, bèn cho thợ chặt về, dựng tượng thờ. Ta mà được một cái cây như thế, thì cung điện còn nguy nga gấp bội thế này.
– Có vậy thôi, thế mà cứ như vực nghé không bằng. – Điền ra vẻ bề trên trong nhà, hồ hởi cười nói, – ba chú đi mà bảo chú ấy hộ tôi.
– Vai bác, nói dễ hơn, – Bặc dừa.
– Các chú biết ăn nói, dễ lọt tai. Tôi dân dùi đục chấm mắm cáy ấy mà. Vả, tôi là Ngoại giáp lo việc bên ngoài, chú Định quốc công coi việc bên trong, nên làm việc này là phải, – Điền quay sang Bặc, vừa bỗ bã lại vừa rành rẽ nói.
Cuối cùng, Bặc đành nhận lời, khuyên Hoàng đế về lập chuyện cách an dân trị nước.
2.
Được Hoàng đế phái lên Đại La, đón Hòa thượng Ngô Chân Lưu, khiến Lưu Cơ vui như mở cờ trong bụng. Cái vui của kẻ sĩ, khi vua trân trọng sáng kiến của mình, còn hơn được ban thưởng vàng bạc.
Khi ngồi cùng xe tam mã về Hoa Lư, Chân Lưu vẫn còn điều phân vân, bèn hỏi:
– Nam Việt Vương độ rày ra sao?
– Khi xưa là bộ tướng, hoàng tử, nay làm vương rồi, hẳn đã trưởng thành mọi sự hơn người, – biết là Hòa thượng không cảm tình với Liễn, nên Cơ lựa lời biến báo, trấn an.
Chân Lưu nhìn cảnh nông phu đang cày cấy trên những thửa ruộng ven đường cái quan, tự nhiên cảm thấy lòng vui lâng lâng. Đất nước qua cơn binh đao được dăm năm, thế mà đã nhanh chóng thay da đổi thịt. Đến Gián Khẩu, cả bọn bỏ xe, xuống thuyền ngược nước. Nhìn ngã ba sông Đáy và Hoàng Long mênh mang đưa nước ra cửa bể Non Nước xa xa, Chân Lưu sảng khoái nói:
– Hiếm có người nào, lúc đang còn sống trên đời, mà ngay trên một dòng sông đã được định danh, nào là Gián Khẩu, Hoàng Long, Kiếp Lĩnh, Long Độ… Quả là người giời, mệnh Hoàng đế.
Bọn lính chèo thuyền nghe vậy cũng cảm thấy tự hào thay. Gương mặt chúng ánh lên những nét vui tươi. Tiếng mái chèo vỗ nước ì oạp trên dòng sông xanh. Lưu Cơ cũng hởi lòng, đáp:
– Quả là đại sư am hiểu mọi nhẽ. Tu hành đâu phải là chuyện thoát khỏi cõi trần, mà thực ra là nhập thế.
– Tiên sinh quá khen, kẻ bần tăng này cũng chỉ sờ đầu gối mà nói chân thật thôi, – Chân Lưu tỏ ý khiêm nhường.
Chẳng mấy chốc, thuyền qua núi Thiệu, Cơ chỉ cái làng bên tả ngạn, thấp thoáng sau quả núi, giới thiệu về nơi mình học khi xưa.
– Núi này, có dáng hao hao giống núi Non Nước ngoài cửa bể, – Chân Lưu trầm trồ khen đẹp.
– Hẳn thuở khai thiên lập địa, bể vào tận đây, lên tới Kỳ Lân, Thung Lau, – Cơ đỡ lời.
Đoạn, Cơ tán rộng ra, chỉ cho Chân Lưu xem cửa sông Chanh bên hữu ngạn, xóm Lạc Hối như hòn đảo giữa sông, kia là bến Long Độ, núi Cắm Gươm.
Thuyền rẽ vào sông Sào Khê, chui qua cầu Dền, Cơ nhắc lại kỷ niệm làm cầu khi xưa, khiến cả bọn trên thuyền đều cảm phục. Chẳng mấy chốc, thuyền ghé bến Đền, đã thấy Hoàng đế thân ra đón, khiến Chân Lưu xúc động vô chừng.
– Rồng đến nhà tôm rồi! – Hoàng đế nói câu dân dã, vẻ khiêm nhường, chào đón và dắt tay Chân Lưu lên bờ.
– Kẻ bần tăng này, không ngờ lại được Hoàng thượng để mắt tới, thật là hạnh ngộ, – Chân Lưu chắp tay thi lễ.
Hoàng đế rước Chân Lưu vào cung, bày tiệc trà tẩy trần, hỏi han sức khỏe; đoạn, bảo Lưu Cơ sắp xếp nơi ăn chốn nghỉ thực chu đáo để Hòa thượng dưỡng sức, rồi hẹn ngày đàm đạo. Chân Lưu cảm ơn thịnh tình của Hoàng đế, nhưng trong lòng phân vân, bởi chưa biết sẽ phải làm gì?
3.
Một ngày trời quang mây tạnh, Lưu Cơ mời Hòa thượng ngồi xe song mã, rong ruổi kinh thành Hoa Lư, nhìn lá cờ đại tung bay trên đỉnh núi Cột Cờ, Chân Lưu trầm trồ:
– Vượng khí Thiên tử!
– Núi này, từ khi được chọn cắm cờ, gọi là núi Cột Cờ, cao ba mươi trượng. Nhiều thứ, dân gian cũng áp tên cho dễ nhớ. – Chân Lưu phụ họa, – qua chợ, thấy có núi Chợ đấy thôi.
Dân chúng thấy Hòa thượng, đều chắp tay cúi chào, vẻ cung kính. Chân Lưu cũng chắp tay đáp lễ. Cơ lấy làm vui, hãnh diện thấy dân kinh thành lễ phép. Cơ lại đưa Chân Lưu xuống thuyền, xuôi sông Sào Khê, đến tận ngã ba sông Vạc với sông Vân, mới quay trở lại. Ven sông, đồng ruộng tươi tốt. Làng mạc thấp thoáng dưới chân núi. Thuyền bè đánh cá trên sông tấp nập, tiếng gõ lưới khua giòn, vọng vào vách đá, nghe thực vui tai. Trên bờ, từng đàn trâu ung dung gặm cỏ.
– Trâu nhiều như cá sông! – Chân Lưu lại trầm trồ.
– Hoàng thượng truyền dạy, phải chăm sóc chu đáo mà.
Cả hai cùng cười vang, đầy vẻ ý nhị.
Chân Lưu đăm đắm nhìn ngã ba sông Vũ Lâm, khen thế đất lộng lẫy mà ấm áp, hợp với việc dựng đền đài. Vừa đi, Cơ vừa giới thiệu phong cảnh, hang động, thành quách. Chợt nhớ lúc qua sân điện, thấy cái vạc dầu, khiến Chân Lưu tái mặt, nên Cơ không nhắc gì đến chuồng hổ ở Am Tiên, ao giải ngoài Thành Bắc. Nhưng Chân Lưu lại khiêm nhường kể:
– Hôm vừa rồi, Nam Việt Vương ghé thăm, có kể về ao giải thả thuồng luồng sông Đáy, động Am Tiên nhốt hổ Nho Quan, cũng như vạc dầu đặt sân điện, ngõ hầu rung dọa kẻ phạm tội.
Nghe vậy, Cơ nín thở, không dám nói gì.
– Bần tăng thiển nghĩ, hình phạt cũng không thể xem nhẹ, nhưng giáo hóa con người, để tự giác bỏ cái ác, hướng cái thiện, mới là kế sâu rễ bền gốc, – Chân Lưu ôn tồn nói, như thể giảng đạo vậy.
– Chính thế, – Cơ như kẻ chết đuối vớ được cọc. – Hoàng thượng vời đại sư lai kinh chuyến này, hẳn cũng có chủ ý như thế.
– Mô Phật! – Chân Lưu chắp tay nhìn vào vách núi, – kẻ bần tăng này, đâu có dám gánh vác sứ mệnh lớn ngần ấy. Chẳng qua là đàm đạo cho vui câu chuyện, rút ngắn độ đường mà thôi.
Chân Lưu trở nên tư lự, ngẫm ngợi trong lòng, rất lung. Triều đình trị dân bằng bạo lực, làm cho sợ hãi mà phải cúi đầu tuân theo. Quan lại đều dùng quyền lực, mưu mẹo để thống trị, tự coi mình là vô đối, không có địch thủ, thì khác gì bọn mục đồng, bao giờ cũng cho mình là nhất thiên hạ. Đó là kiểu bá đạo. Phải làm sao chuyển sang vương đạo. Nói đến vương đạo là dùng đức và nghĩa để giáo hóa dân chúng. Đế đạo dụng chân lý và tư tưởng chăn dân, trị quốc. Ôi, thật xa vời. Nhưng thôi, việc đã thế thì nương theo thế. Dân gian có câu, từ từ khoai sẽ nhừ…
4.
Ngô Chân Lưu thừa biết Đinh Hoàng đế, chỉ sử dụng Ngô Xương Xí làm cái bình phong phò Ngô dẹp loạn, để lấy chính danh mà thôi. Nhưng rõ ràng là có câu chuyện chém sứ giả đoạn tuyệt, rồi lại chuyện kẻ mời người chối ngôi vương cơ mà. Xí đã bị viên Thái úy thiển cận làm lỡ nước cờ. Nay, Đinh Hoàn đường đường xưng đế rồi, mình thuận theo là tiện hơn cả. Người xưa có câu gì nhỉ? Cái câu nói về bọn khố rách lên ngôi vua thì chẳng bền ấy mà? Dạo này, mình hay nhớ nhớ quên quên…
Bộ Lĩnh bảo Lưu Cơ mời Ngô Chân Lưu vào điện. Chân Lưu đã được Cơ mách bảo thiện ý, nên vững tâm, chủ động đôi ba phần. Sau khi thi lễ, phân ngôi chủ khách, Hoàng đế bèn nói câu xã giao:
– Trẫm là kẻ chăn trâu làm ruộng, nay lĩnh mệnh trời trông coi thiên hạ cũng lấy làm hổ thẹn, phép trị nước an dân cũng chưa tường. Nay phải phiền lụy đại sư giúp cho một tay mới được.
Chân Lưu chỉnh lại áo cà sa, chắp tay từ tốn:
– Mô Phật, bần tăng từng nghe, từ thuở ấu thơ, Hoàng thượng đã được các thầy dạy bảo về Kinh Dịch, Binh pháp, Thi thư(8)… nên ngưỡng mộ vô cùng. Nay bần tăng được vời về kinh thế này là phúc lớn lắm rồi, cũng xin cảm tạ tấm lòng của Hoàng thượng, đối với hiền đệ của bần tăng ở Bình Kiều. Người có nhân nghĩa như thế, tầm nhìn xa trông rộng như thế, được nước trị dân là thuận lòng người, hợp lẽ trời.
– Hòa thượng quá khen, – Hoàng đế cười tươi, tỏ ra khiêm nhường. Trong lòng thừa biết, Chân Lưu nói quá lên, chứ thực tình, mình đã học đến đầu đến đũa đâu. Nhưng, như thế cũng vui.
– Đấy là chưa kể, thuở hàn vi, Hoàng thượng đã được trời cho Ngọc khuê, lúc lâm nguy trời phái Rồng vàng đến giúp, bước chân đến đâu, định danh tới đó… Khi vừa lên ngôi đã miễn thuế khoan thư sức dân. Lại cho phép dân chúng lập đền thờ các sứ quân tử trận. Rồi định kinh đô mới, đặt tên nước mới tỏ chí bốn cõi, đặt niên hiệu Thái bình thực là an lành. Hoàng thượng cũng là ông vua đầu tiên cho đúc tiền để dân tiêu dùng. Nhìn ngần ấy việc, thấy giềng mối, nền móng, trụ cột sắp đặt đâu vào quy củ, khác gì tạo hóa. Thực là trời giúp sức, dân phò trợ, chính ngôi Hoàng đế.
Cả bọn cùng nghe, cũng cảm thấy mát ruột thay. Nhưng riêng Lưu Cơ cảm thấy có cái gì khách sáo, hẳn là Chân Lưu chưa thông tỏ điều gì đó. Nhân lúc Chân Lưu vén tay áo cà sa để uống trà, Lưu Cơ viết vội mấy chữ, ngầm đưa cho Đỗ Thích, chuyển cho Hoàng thượng ngự lãm. Hoàng đế liếc qua, mỉm cười nhìn Lưu Cơ, vẻ tán đồng.
– Trẫm mời Hòa thượng bớt ra mấy ngày, khơi thông đạo Phật cho trẫm, cùng các quan trong triều, có tiện chăng?
Chân Lưu nghe vậy, hứng khởi hẳn lên, chắp tay chấp thuận. Thế là Hoàng đế cho thiết triều, để Ngô Chân Lưu giảng kinh Phật. Trong khi giảng giải, Chân Lưu bảo, nguyên cái chữ “cồ” trong Quốc hiệu Đại Cồ Việt, vừa có nghĩa to lớn, nhưng cũng hàm chứa đạo Phật rồi. Bởi “cồ” là viết tắt chữ Cồ Đàm Ma, họ của Đức Phật Thích Ca. Hẳn Hoàng thượng cũng đã có ý lấy đạo Phật làm Quốc giáo chăng? Nghe vậy, cả bọn đưa mắt nhìn Hoàng thượng, vẻ khâm phục vô cùng. Hoàng đế và Lưu Cơ đưa mắt ý nhị nhìn nhau, tủm tỉm cười, nghĩ bụng, nhiều khi bất chiến tự nhiên thành, ăn may!
*
Mấy hôm sau, Hoàng đế gọi các quan tứ trụ triều đình và Ngô Chân Lưu vào cùng, nói:
– Trẫm nghe Hòa thượng mà ngộ ra nhiều điều. Từ nay, sẽ ban chỉ khắp chốn chấn hưng đạo Phật, gây dựng chùa chiền như thần Tỳ Sa Môn Thiên Vương đã dạy.
– Mô Phật, đa tạ Hoàng thượng, – Chân Lưu giật mình, không ngờ Hoàng đế cũng biết cả chuyện đẵn gỗ tạc tượng, từ lúc khởi danh của mình, thì lấy làm cảm kích lắm.
– Nay trẫm phong cho Hòa thượng Ngô Chân Lưu hiệu Khuông Việt đại sư, chức Tăng thống, để tiện bề coi sóc Phật giáo cùng các sư sãi khắp chốn Đại Cồ Việt.
– A Di Đà Phật! – Chân Lưu vội chắp tay chối từ, – bần tăng chỉ chuyên lo việc đạo, đâu dám mơ mòng tước vị cao sang. Dám xin Hoàng thượng tìm chân nhân xứng đáng mà trao.
Cả bọn Tứ trụ cùng húm vào khuyên, Hoàng đế cũng nhắc mấy lần, Chân Lưu mới đành tạ ơn, nhậm chức.
Về sau, sử có ghi, vào năm Thái bình thứ hai (tức Tống Khai bảo thứ tư), Hoàng đế ban chức, hiệu cho Ngô Chân Lưu như vậy…
Chương chín
Hoàng đế ban phẩm trật
1.
Sử ghi:
Năm Tống Khai bảo thứ tư (971), Bắc Tống diệt Nam Hán.
Năm này, Đại Cồ Việt là Thái bình thứ hai (971), Hoàng đế ban chiếu phong chức tước, phẩm trật cho bá quan văn võ, cùng sư sãi và đám con hát.
Mấy hôm nay, kinh thành Hoa Lư cờ giong trống mở, náo nhiệt chẳng kém gì ngày lễ đăng quang Hoàng đế. Từ bá quan văn võ, tới sư sãi, con hát, cho chí dân chúng, ai nấy đều mừng vui. Hoàng đế ban chiếu sắc phong chức tước cho các tướng, lại có cả bọn thầy chùa và con hát nữa, chuyện từ xưa chưa có bao giờ. Những chỗ dán bản cáo thị, đông đặc những người là người, kẻ biết chữ đọc to cho mọi người cùng nghe. Bọn trẻ con cũng hếch mắt lên ngó nghiêng sự lạ, rồi ba chân bốn cẳng chạy đi truyền tin về tận các ngõ ngách kinh thành. Cửa Đông, cửa Bắc, cầu Đông, cầu Dền, chợ phủ, chân núi Cột Cờ, bến Đền, Thung Lau, cho tới động Thiên Tôn và các đạo, đều có dán cáo thị.
Trên vọng lâu cửa Đông, tên lính hai tay lễ mễ bưng chiếc loa dài như đòn gánh, cho viên quan ghé miệng dõng dạc đọc:
– Loa, loa, loa! Bàn dân thiên hạ nghe chiếu Hoàng đế phong phẩm trật chức tước cho bá quan văn võ, tăng đạo, cùng con hát. – E hèm, – viên quan dọn gọng, rồi trịnh trọng xướng ngôn:
Năm nay là năm thứ ba, trẫm lên ngôi Hoàng đế. Ba năm qua, đất nước thái bình thịnh trị, dân chúng yên vui, nhà nhà no ấm. Bởi thế, năm ngoái, trẫm đặt niên hiệu Thái bình, để tỏ cái ý nguyện chăn dân dựng nước.
Khi xưa, các tướng khó nhọc giúp trẫm dẹp loạn, lập nên nước Đại Cồ Việt, dựng kinh đô Hoa Lư. Mấy năm nay yên bình, lại giúp trẫm trị nước, không ai trễ nải.
Nay trẫm ban chiếu sắc phong chức tước, phẩm trật:
phong tướng quân Nguyễn Bặc, người làng Vĩnh Ninh, làm Định quốc công;
phong tướng quân Lưu Cơ, người làng Bồ Bát, làm Đô hộ phủ sĩ sư;
phong tướng quân Đinh Điền, người làng Điền Hộ, làm Ngoại giáp;
phong tướng quân Trịnh Tú, người làng Đại Hữu, làm Thượng thư;
Lúc viên quan dừng lời, giở sang trang tờ chiếu, dân chúng bàn tán xôn xao cả lên:
– Đủ Tứ trụ triều đình, bốn ông: Bặc, Điền, Cơ, Tú.
– Cứ ngỡ ông Điền cũng dân Đại Hữu, hoàng huynh cơ mà?
– Anh nuôi thì có, cái sự này, tôi nghe nói lâu rồi, giả huynh(9) thôi mà.
Viên quan lại hắng giọng đọc tiếp:
phong tướng quân Phạm Hạp, người làng Trà Hương, làm Vệ úy;
phong tướng quân Lê Hoàn, người làng Bảo Thái10), làm Thập đạo tướng quân;
Nghe đến đây, ai nấy hồ hởi reo mừng, khiến viên quan phải hắng giọng mấy bận mới
phong đại sư Ngô Chân Lưu, người làng Cát Lợi(11), làm Khuông Việt đại sư, chức Tăng thống;
Cả bọn lại ồ cả lên, có tiếng nói vóng:
– Cháu nội Ngô Tiên Vương đấy, phúc đức quá.
phong Trương Ma Ni làm Tăng đạo sĩ;
phong Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi;
lại phong cho con hát Phạm Thị Trân, hiệu Huyền Nữ, người phủ Hạ Hồng, chức Ưu bà;
Viên quan chứ dứt lời, cả đám nhảy quớ lên hoan hỷ. Viên quan phải nhân tiện nghỉ lấy hơi, hồi lâu trật tự vãn hồi, mới đọc nốt:
Thái bình năm thứ hai
Hoàng đế ban chiếu
Khâm thử.
2.
Tráng bị đòn oan, vì vợ đẹp lọt mắt rồng, nên phải về làm ruộng, ở rể bên nhà Là. Bà mẹ hay chuyện của các con, phàn nàn nông nỗi mà nói câu an ủi:
– Đần độn quá cũng khổ, mà giỏi giang quá cũng khổ, chỉ có kẻ an phận thủ thường lại sống lâu . – Nhìn con rể vẻ hàm ơn, nói chữ học mót, – may mà phúc có được anh giai tế!
– Ôi giời, bu cứ nói thế. – Tráng đỡ lời, có ý trêu Là, – nhẽ ra, thì nhà con thành cung nữ rồi ấy chứ, đâu đến nỗi phải làm bạn với cái anh cổ cày vai bừa.
– Chả báu, – Là liếc mắt nhìn chồng, cười cười. – Vào kinh, có khi rước họa thì có. Nghe đâu như, Hoàng đế có những năm hoàng hậu, lại vô khối cung tần mỹ nữ. Mình sa vào chốn ấy, khác gì cái vỏ hến.
Nghe tin vợ chồng nhà Tráng- Là thoát nạn, buổi tối, hàng xóm và bọn lính coi kho mễ cốc cùng tới thăm. Tráng trải chiếu ra hè: “Các bác ngồi cho mát”; đoạn, khêu đĩa đèn dầu lạc, bày cái điếu bát và tráp thuốc lào. Là tíu tít rót chè xanh ra bát. Bà cụ thong thả têm trầu. Viên quản kho hồ hởi nói với Tráng:
– Nghe nói, tướng quân Lê Hoàn nhà cậu, lãnh chức to nhất trong quân. Có phận nhờ rồi đấy!
– Tôi cũng biết rồi, – Tráng chép miệng. – Nhưng mà mỗi người mỗi phận.
– Cả ông Điền nữa chứ, cũng dân châu Ái cả đấy. Hai ông lớn đồng hương, chuyến này phất to, – viên quản kho trêu chọc, nhưng lộ vẻ ghen tị.
– Nhưng tôi về cày ruộng rồi, – Tráng bùi ngùi phân bua.
– “Ngụ binh ư nông”, có giặc lại ra trận, lập công thăng thưởng.
– Mời các bác xơi khẩu giầu, – bà cụ lọ mọ đưa tận tay từng người. – Giăng sáng như ban ngày, nhề! – Bà cụ nghển ra ngắm trăng, cười móm mém.
Trăng treo đầu ngọn tre. Gió đồng mát rượi. Bóng núi cao vời. Tiếng tắc kè văng vẳng.
– Ngày mai, lại nắng to đấy! – Là ngẩn ra nghe tiếng tắc kè, rồi nói, – nó kêu lẻ tiếng mà. “Chẵn mưa thừa nắng”.
– Kể cũng nghiệm, – viên quản kho phụ họa. – Chúng tôi cứ nghe nó kêu mà định việc canh kho; hôm nào, kêu chẵn thì phải phòng mưa dột.
– Mà bảo “Thất hùng”, sao cáo thị chỉ có sáu ông nhỉ? – viên Trưởng giáp sực nhớ việc quan, kéo câu chuyện phong chức tước, phẩm trật của các quan triều đình trở lại chiếu. – Bô lão trong làng hỏi, mà tôi cấm có thấu tỏ, ngõ hầu giả nhời được một tiếng gọi là…
– Này nhá, – viên Quản kho kẻ cả. – Đinh Tiên Hoàng đế là một này, Nam Việt vương Đinh Liễn là hai này, Định quốc công Nguyễn Bặc là ba này, hàng công chỉ đứng sau hàng vương đấy nhá…
– Hơn cả ông Điền, mang tiếng hoàng huynh, – Trưởng giáp càm ràm nói.
– Hoàng thượng tính nát nước, ba năm sau ngày lên ngôi mới phong chức tước các quan trong triều, không thể sơ suất, thiên vị được. – Viên Quản kho ra vẻ hiểu biết chuyện cung đình, lên giọng, – để tôi tính nốt cho mà nghe này, – Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ là bốn này, Ngoại giáp Đinh Điền là năm này, Thượng thư Trịnh Tú là sáu này, cuối cùng Tâm phúc tướng quân Phạm Cự Lạng coi việc thị về là bảy.
– Phải, ông Lạng là em ông Vệ úy Phạm Hạp. – Tráng kể, – lúc khởi binh, anh em ông ấy mang hai ngàn quân, từ Trà Hương về theo Hoàng thượng, lại có công lớn trong trận Tam Đái.
– Thế mà ông ấy được phong chức lúc nào, tôi cấm có biết, – Trưởng giáp thực thà nói.
– Ngay từ lúc Hoàng thượng lên ngôi kia mà, cùng đợt với quan Chi hậu nội nhân Đỗ Thích, – Tráng cũng ra vẻ hiểu biết.
– Thế cư à? – Trưởng giáp hóng chuyện, – nhưng cái sự ông Đỗ Thích, người làng Đại Đê, có công cứu giá, thì ai cũng biết cả.
– Ông Lưu Cơ học rộng tài cao, phẩm trật ngang Phó vương. – Viên Quản kho gật gù, chiêu ngụm chè xanh, ngoái sang Là, khen, – thím cho gừng phải không? Cái anh chè xanh, mà hãm có mấy lát gừng, không chỉ thơm mà còn giải cảm.
– Bà cụ nhà em vẫn làm thế, em bắt chước thôi! – Là vui ra mặt, đỡ lời, – việc quan, em ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm vậy.
– Thế nên thiên hạ mới có câu: “Gái góa lo việc triều đình” là cái sự vậy. – Bà cụ răn con gái, – đàn bà đàn bụi, đái chẳng qua ngọn cỏ, ôm rơm làm gì cho rặm bụng.
Nghe vậy, cả bọn cười ồ cả lên.
– Bu rõ thật là… – Là có ý trách.
– Thì tao cứ sờ đầu gối, nói chân thật, – bà cụ cười hở lợi. – Thôi, các bác cứ chuyện, tôi đi ngả lưng.
Bà cụ vừa quài tay đấm lưng, vừa chống gậy vào nhà. Là vội đứng dậy đỡ mẹ lên chõng, rồi mình cũng vào buồng luôn.
– Hoàng thượng chiến trận xông pha, tự thân lập nghiệp, nên chín chắn. Những ba năm thử thách mới phong chức tước, – Trưởng giáp lại tấm tắc khen.
– Bác cứ khen phò mã tốt áo, – tự nhiên Tráng sờ vào mông mình, cười chua chát.
Viên quản kho thấy vậy, nói lảng:
– Phong cho cả con hát nữa, thực là bao dung, từ xưa chưa có bao giờ…
– Thì tôi vẫn nhớ cái mông của mình, – Tráng tếu táo cười to.
Chợt nghe tiếng quạt muỗi phì phạch trong buồng vọng ra, cả bọn biết ý, bấm nhau ra về. Tráng hằm hằm chạy thộc vào buồng, quát vợ:
– Nhà làm thế, ngang bằng đuổi khách!
– Em sợ nhà quá nhời thì lại khốn, – Là thở dài. – Vúc vách có tai, một sự nhịn là chín sự lành.
Tráng nghe vậy, biết Là sâu sắc, bèn quay ra sân thu dọn ấm, bát, điếu, đèn, rồi tiện chân khều chiếu vào nhà. Là vội chạy ra, cầm chiếu rũ phành phạch.
– Rũ cho sạch, kẻo nhặm lưng, – Tráng nhắc vợ, có ý bông lơn.
– Chả thèm! – Là vênh mặt cười cười, rồi ôm chiếu rải lên giường.
Cả nhà chỉ có mỗi chiếc chiếu, dành cho đôi vợ chồng trẻ. Bà cụ ngủ chõng, chẳng cần đến chiếu. Khi có khách, cái chiếu ấy lại trải ra nền nhà, hay ngoài sân. Giữa chiếu đã có một đám thâm lại, Là ý tứ đặt cái ấm đất lên. Đêm đêm, Là đặt lưng lên chỗ chiếu thâm ấy và lẹ làng lót thêm cái váy đụp.
Bà cụ thường mất ngủ. Đêm đêm, cứ mỗi khi nghe tiếng giường tre kẽo kẹt, từ buồng vọng ra, bà cụ lại đập quạt mo xuống chõng, đuổi chuột xời xợi…
3.
Sau lễ sắc phong, Điền xộc thẳng vào hoàng cung, bảo đuổi hết tả hữu ra ngoài, nói chuyện cơ mật với Hoàng đế.
– Tôi nói thật, – Điền sồn sồn. – Chú Bặc là tay phải của chú, chinh chiến đã từng, mưu lược cao thâm, mà ăn ở cũng trọn tình vẹn nghĩa, làm cái chức Định quốc công, coi việc nước là phải. Còn như tay Lưu Cơ, tuổi con cháu, hạng thư sinh mặt trắng mà phong chức ngang Phó vương, coi việc Hình án phủ đô hộ, thế là hơn cả tôi.
– Bác cứ hay nóng, – Hoàng đế mềm mỏng, giải nhiệt. – Bác có nhớ thầy học châu Hoan, kể chuyện thời Hán, khi Lưu Bang phong cho Tiêu Hà chức to, khiến bá quan văn võ tức tối không?
– Tôi không phải là kẻ ghen ăn tức ở, chẳng qua cũng vì công nghiệp nhà Đinh ta, – Điền nói sẵng.
– Thì bác cứ để tôi nhắc chuyện xưa. – Hoàng đế vẫn từ tốn, – Lưu Bang bảo, thế việc con chó với người đi săn, thì kẻ nào hơn? Chó chỉ mỗi việc đuổi thú. Còn đuổi ra làm sao thì lại tùy ở như con người. Đấy, Lưu Bang ví bọn kia như chó, còn Tiêu Hà là người đi săn. Tôi thì không dám có ý thế, chỉ nhắc chuyện xưa, bác thấy cái tài kinh bang tế thế của Lưu Cơ là đáng trọng dụng.
– Tài! – Điền đai giọng.
– Phải! – Làm vua hơn người là ở chỗ biết kén người tài, dùng người giỏi mà thôi, – Bộ Lĩnh nói câu tâm đắc.
– Chú tin người mà u mê, chứ tôi nghe người ta nói, tay ấy khôn ranh lắm, ăn người đấy, – Điền vẫn chưa phục.
– Thì cũng như bàn tay, – Hoàng đế xòe tay ra nói. – Lật ngửa thì trắng, úp sấp thì đen, nắm lại thì đen trắng lẫn vào nhau. Làm người, ai tránh được hết lỗi lầm!
– Còn cái thằng Lê Hoàn, kém thằng Liễn một tuổi, thế mà cầm trong tay cả trăm vạn quân? – Điền nhìn Hoàng đế chòng chọc, – chú phải cẩn trọng mới được, không ai bỏ hết cả trứng vào một giỏ như vậy, sẩy tay là vỡ ráo.
– Chính thế, tôi để ba năm thử thách, rồi mới phong các chức quan trọng triều đình đấy thôi.
– Nghe nói, mẹ nó lúc sinh, mơ thấy hoa sen nở, rồi kết hạt trong bụng. Lớn lên, nó đi làm con nuôi ở châu Ái, được rồng ấp đêm đông. Đấy là mệnh thiên tử, – Điền lo lắng ra mặt, – mà thằng Liễn nhà mình, lại kết thân với nó như anh em.
– Thiên hạ đồn vậy, thì biết vậy. – Hoàng đế thủng thẳng, – nó có tài trong quân thì dùng trị nước, chứ cứ lo hão lo huyền, bỏ người tài, thì tự sinh loạn chứ chẳng chơi. Mà phi nó ra, ai đặng cầm quân trăm vạn? Trong số Tứ trụ triều đình, bác giữ Ngoại giáp, Bặc chân Định quốc công, Cơ thì bên Đô hộ, Tú đứng Thượng thư; ngoài ra, thằng Liễn Nam Việt Vương. Vậy, hỏi còn ai có khả năng làm gánh chức Thập đạo tướng quân? Chả nhẽ tôi? Thế thì còn ra thể thống gì nữa? Cổ nhân dạy, dụng người như dụng mộc, dùng người mà không cất nhắc chức nọ tước kia, thì họ đội nón ra đi không thèm ngoảnh lại ấy chứ. Mà vừa dùng vừa nghi, thì người ta hoang mang lo sợ, không toàn tâm, chẳng chí thú với cương vị được giao. Đấy, bác thấy lợi hại chưa?
– Nói với chú, tức anh ách như bò đá! Mà còn chuyện…
Suýt nữa thì Đinh Điền buột miệng nói ra cái sự phải lòng mặt giữa anh với ả. Người ta để ý, mỗi khi thằng Lê Hoàn gặp Dương Hoàng hậu, mắt nó sáng quắc lên, khác nào Bộ Lĩnh thấy món tiết canh lòng lợn. Trăm quan thì có đến bảy tám phần đều biết như thế, nhưng không ai dám hé răng, Bộ Lĩnh thì như đui mù, điếc lác. Chả nhẽ, mình cũng nói toạc chuyện này ra? Đinh Điền nghĩ bụng, nhưng chậc lưỡi, lại thôi, kẻo mang tiếng buôn chuyện, kiểu đàn bà, làm rối triều đình.
– Lại còn chuyện gì nữa, bác nói nốt cho nhẹ người xem nào? – Hoàng đế giục.
– Thôi, – Điền vẫn bừng bực trong lòng, vùng vằng ra về.
*
Thế là triều đình ta toàn người nhà: Đinh Điền là anh nuôi là một; bọn Bặc, Tú, Cơ là bạn đồng tuế, hoặc vong niên, nhưng lại thân tình như ruột thịt là hai; Liễn là con đẻ, Khánh là rể, thì cũng đều là con cả là ba; Lê Hoàn làm bạn với Liễn thì cũng là chỗ bằng hữu, vua tôi cả là bốn; còn bọn Hạp, Lạng là chỗ thân tín là năm; Đỗ Thích có công cứu giá là sáu; đến như Tỷ là cháu vua Ngô, mà vua Ngô lại là bạn hữu của cha ta là bảy; đám con hát thì do ta vời, chịu ân đã thấm là tám; quan dân đất thang mộc đều là anh em con cháu, không thể phản ta là chín… Cứ tính thế để biết cách thức đối nhân xử thế cho hài hòa, nhưng luôn tỏ ân uy sòng phẳng với chín loại người này, thì cứ kê cao gối mà ngủ, chẳng phải lo gì. Trị thiên hạ, bên ngoài đã có vạc dầu, chuồng hổ, ao giải; trong lòng thì lấy đạo Phật khai tâm. Quân lính luyện xong, cho về làm ruộng, vừa đỡ gánh nặng nuôi quân, lại lúc động dụng là gọi được ngay. Nông làm trọng để cấy lúa, lấy thóc nhập kho. Đúc tiền, mở chợ cho dân có chỗ bán bán mua mua. Lại còn chuyện xưng đế, định đô, đặt tên nước và niên hiệu… Thế là đủ cả, kém chi Nam Hán, Bắc Tống nào?
Chuyện bác Điền nói thế, thì cũng phải đề phòng, nhưng cứ nghi kỵ tràn lan, đâu phải bậc quân tử chính danh. Kể cũng tiếc bốn châu Ngô Quyền cắt cho Nam Hán, nhưng ta còn tám đạo cơ mà. Tám đạo mà cứ phong cho Lê Hoàn làm quan Thập đạo, thì ai bắt bò ta được nào? Ta cứ phao lên là có những trăm vạn quân, trong khi dân ta có chừng ba trăm vạn, chả nhẽ, cứ ba dân có một lính à? Kệ, ta cứ làm theo ý ta thì đã làm sao? Nhưng nói đi lại phải nghĩ lại, phải phòng thằng Khánh, kẻo động loạn từ trong mà ra. Bắc Tống không thể lơ là, nó cất quân, chạy ù một cái là sang tới nơi, không kịp trở tay. Mạn nam cũng phải để mắt bọn Chiêm Thành, giong thuyền ra là quan quân ta khó nhọc.
Hoàng đế dạo bước trong vườn thượng uyển, không phải vãng cảnh, mà lại tính trong lo ngoài, sắp đặt đâu ra đấy, cảm thấy vững dạ. Từ ngày Phạm Bạch Hổ xin về Đằng Châu dưỡng già, ta thấy trống vắng. Xem nào, ông ta sinh năm Ngọ, vị chi cũng đã lục tuần. À, Lưu Cơ bảo, ông ta thích cái món nước suối Kênh Gà, ngâm chân, lau mình. Ta phải bảo bọn lính chở sang mấy chum, kèm lời úy lạo và chút quà cáp cho đẹp lòng, vỗ yên mới được. Nhớ cái bận, ta bảo bác Điền mang kim ngân đi thử lòng Bạch Hổ, thế mà ông ta xử khéo, rồi hoàn lại, để chi dùng việc quân, quả là bản lĩnh cao cường.
VŨ XUÂN TỬU
(Còn tiếp)
____________
(1) còn gọi là sông Trường Giang.
(2) nay thuộc phía bắc tỉnh Quảng Đông, đến bắc tỉnh Quảng Tây và phía nam vùng Giang Nam (Trung Quốc).
(3) nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc).
(4) nay thuộc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).
(5) nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam).
(6) nay thuộc Quảng Châu (Trung Quốc).
(7) nay là huyện Chính Định, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
(8) Kinh Thi và Kinh Thư, hai bọ sách kinh điển của Nho giáo.
(9) anh nuôi.
(10) nay thuộc xã Ninh Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
yên.
(11) nay thuộc thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, thủ đô Hà Nội.
XEM THÊM:
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 1
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 2
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 3
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 4
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 5
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 6
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 7
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 8
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 9
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 10
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 11