
Chương mười
Nam Việt Vương đi sứ Bắc Tống
1.
VHSG- Chuẩn bị cho Đinh Liễn đi sứ Bắc Tống, xin phong vương, Hoàng đế phải thiết triều.
Ngoại giáp Đinh Điền bước ra nói to:
– Thần xin tấu, – khi thấy Bộ Lĩnh gật đầu, liền nói, – tâu bệ hạ, nước Đại Cồ Việt ta riêng một cõi trời Nam. Bệ hạ đã ở ngôi Hoàng đế được bốn năm có lẻ, hà cớ gì phải sang xin bọn Bắc Tống phong vương nữa?
– Ngoại giáp có chí khí thế là phúc lớn lắm thay. – Hoàng đế nghiêm giọng nói, – nhưng trẫm nghĩ, dù ta có hùng cứ một phương thì vẫn là nước nhỏ. Nhân chuyến này, hòa hiếu với Bắc Tống cũng là lẽ thường tình, từ ngàn đời quan hệ giữa hai nước. Thời Ngô Tiên Vương tới nay, bởi loạn sứ quân mà hai nước cách biệt, nên Nam Việt Vương đi sứ là mang trọng trách sơn hà.
– Đội ơn Hoàng thượng, – Liễn chắp tay hô to, lĩnh mệnh.
– Để chuẩn bị cho chuyến đi sứ đầu tiên của Đại Cồ Việt ta sang Bắc Tống, các quan phải chu toàn giúp sức mới được. Trẫm truyền cho Định quốc công phải giữ yên bờ cõi, để Bắc Tống phải vì nể uy quyền trị nước chăn dân của trẫm.
Hoàng đế dứt lời, Bặc chắp tay hô to:
– Thần tuân chỉ!
– Thị vệ tướng quân, cùng Vệ úy trông coi trong cung cho yên.
Hoàng đế nhìn hai anh em Phạm Hạp và Phạn Cự Lượng, cả hai cùng hô:
– Chúng thần tuân chỉ!
– Thượng thư phải lo chu toàn đồ cống và lương, thảo cho sứ bộ.
– Thần tuân chỉ! – Tú hô to và nói, – thần đốc thúc bọn quan quân trong hậu cung lo chu tất đồ cống nạp, lại sức cho các trạm đón tiếp sứ bộ, chuẩn bị thay ngựa trạm đầy đủ.
– Thập đạo tướng quân lo bảo vệ sứ bộ đi, về. Khi có đoàn sứ Bắc Tống sang cũng phải chu toàn.
– Thần tuân chỉ! – Lê Hoàn y lệnh và nói, – thần sức cho các đạo, động từ kinh thành đến biên ải phải gắng sức, không được lơ là.
Mặc cho Hoàng đế thiết triều, Lê Hoàn theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình. Chuyến đi sứ đầu tiên của triều Đinh, lại do đích thân Nam Việt Vương làm Chánh sứ, kể cũng quan trọng thật, nhưng làm gì mà rộn. Nhưng mình cũng như bá quan văn võ đều phải chầu hầu, tuân chỉ, để vua Đinh thấy uy quyền trùm thiên hạ, việc gì cũng để mắt tới, nhất nhất đều được thi hành. Cái áo bào mới đẹp làm sao? Lê Hoàn ngắm long bào và ngẫm, hội tụ cả trời đất, núi sông trong một cái áo thì quả là thiêng liêng. Lê Hoàn lại đảo mắt ngó cung điện, nghĩ thầm, cũng tráng lệ, nhưng chưa nguy nga. Phải tay ta, cột cái phải to gấp đôi, thếp vàng dát ngọc hẳn hoi, khiến ai vào cung cũng phải bạt vía, kinh hồn.
– Đô hộ phủ sĩ sư phải lo tấu chương và công việc sứ bộ, – Hoàng đế vẫn sai khiến các quan.
– Thần tuân chỉ! – Lưu Cơ tâu, – thần đã chuẩn bị đầy đủ tấu chương, trình bệ hạ ngự lãm bút phê. Thần cũng đã bẩm với Nam Việt Vương về chốn kinh đô Bắc Tống ở Biện Kinh và triều đình Triệu Khuông Dẫn.
– Ơ, nó chuyển về đấy rồi à? – Đỗ Thích ngạc nhiên hỏi, – cứ ngỡ nó vẫn đóng đô Tràng An.
– Từ khi Bắc Tống thế chân nhà Nam Hán, năm Canh Thân (960) đã rời đô về Biện Kinh- Khai Phong, bờ nam sông Hoàng Hà, – Lưu Cơ đối đáp trôi chảy.
– Nam Việt Vương đi sứ chuyến này, – Hoàng đế nghiêm mặt nhìn con, – phải thể hiện sự hùng cường của Đại Cồ Việt và thể diện của trẫm. Coi đó như một điều răn, để chúng không dám khinh nhờn mà mang quân xâm phạm bờ cõi, hiểu không?
– Thần tuân chỉ! – Liễn cúi đầu, chắp tay cung kính đáp.
– Hơn chục năm đi sứ Cổ Loa rồi, lo gì mà không hoàn thành trọng trách.
Lại nghe Đỗ Thích tán tụng như vậy, các quan cười ồ cả lên. Hoàng đế cũng tươi nét mặt, ra lệnh:
– Bãi triều!
Cả bọn đồng thanh hô to:
– Hoàng thượng vạn tuế!
2.
Quan, quân, dân chúng kéo nhau đi tiễn, khi phái bộ đi sứ Bắc Tống qua bến đò Gián Khẩu, mới chịu quay về.
Từ đây, cả đoàn rồng rắn theo lộ trình, kẻ cưỡi ngựa, người ngồi xe, đồ đạc ngất ngưởng trên những chiếc xe cuối, nom nghễu nghện như đoàn dẫn cưới. Đến Đại La, nghỉ lại một ngày, chỉnh đốn đội ngũ, sửa xe, lấy thêm cỏ và gạo, thay ngựa yếu, chọn ngựa tốt. Hôm sau, qua sông Hồng, rồi ngược Cổ Loa, vượt sông Thiên Đức. Mỗi khi qua các vùng cát cứ sứ quân thuở nào, quan quân lại bồi hồi kể lại cho nhau nghe những trận công thành, bùi ngùi nhớ đồng đội xấu sổ tử trận. Cứ như thế, ngày đi đêm nghỉ, ngựa yếu thì thay, xe hỏng thì sửa, qua đồng bằng, ngược trung du, lên thượng du. Thỉnh thoảng, thấy dân làm nương cheo leo sườn đồi, bọn lính vẫy chào í ới. Họ cũng bắc loa tay, cất tiếng hú rõ dài, vang động cả núi rừng, rồi chạy xuống, mang theo những quả dưa tròn đổi thuốc lào. Liễn hỏi viên Phó sứ:
– Tôi đố ông, cái cuốc vùng núi, khác cái cuốc vùng xuôi, ở chỗ nào?
– Bẩm, hạ thần thấy y như nhau cả thôi, cũng lưỡi sắt, cán… – Viên Phó sứ sực nhớ ra, – khác là cán cuốc đồng xuôi tra bằng tre, còn đồng rừng làm bằng gỗ.
– Cũng chỉ đúng một phần, – Liễn kẻ cả. – Ta thấy, cán cuốc đồng xuôi, đồng bể thì dài một đầu một với tay nữa, để mà quài xuống chỗ ruộng thụt, đầm lầy. Còn cán cuốc đồng rừng, chỉ ngắn đến vai, đến ngực thôi, bởi sườn đồi ập vào ngay trước mặt rồi.
Cả bọn ồ lên, thán phục Liễn tinh mắt.
Bảy ngày thì đến biên ải. Phái bộ nghỉ lại; người, ngựa, xe cộ rầm rầm như đoàn quân ra trận thuở nào, khiến dân Mán Lao tới xem, chỉ chỉ trỏ trỏ, có vẻ lạ lẫm. Quan trấn ải quát to mấy câu, chúng chạy như vịt gặp quạ, rồi ngoái lại, che miệng cười, phô hàm răng đen. Dân vùng này toàn mặc đồ vải dệt từ sợi bông, nhuộm chàm xanh, chân quấn xà cạp, đầu vấn khăn tròn như cái rế, chứ không bỏ mỏ rìu như vùng đồng xuôi, hay đồng bể.
Qua quan ải, có người Bắc Tống dẫn đường. Vẫn núi non, dân chúng nom như bên ta, nhưng càng đi càng thấy đường như dài thêm. Liễn bảo:
– Bên xứ ta, cưỡi ngựa một ngày, phi từ Thung Lau đã ra đến cửa bể Non Nước; phi hai ngày, đã từ Phong Châu đến Châu Hoan, thế là ngang dọc tung hoành đã gần trọn Đại Cồ Việt. Thế mà xứ này, đi ròng rã cả tháng, vẫn chưa thấy Biện Kinh.
– Bẩm quan chánh sứ, sắp qua sông Dương Tử. Qua sông này thì được già nửa độ đường, – viên quan dẫn lộ nói.
Nghe vậy, cả bọn thở dài, ngao ngán.
Buổi chiều, đoàn sứ cập bờ sông Dương Tử, nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy về đông, khiến ai nấy choáng ngợp.
– Bên mình, sông Đáy đã to, qua sông Hồng thấy là mẹ sông Đáy. Nay nhìn Dương Tử Giang mênh mang, cuồn chảy mà choáng cả người, – viên Phó sứ thật thà nói.
Nghe vậy Liễn nhíu mày, vội đánh trống khỏa lấp, lái câu chuyện, để viên quan dẫn lộ không khinh thường Đại Cồ Việt:
– Nghe nói, Khuất Nguyên(1) thi nhân đã qua sông này? – Liễn chợt nhớ chuyện Lưu Cơ nói ở nhà.
– Phải, hẳn quan Chánh sứ từng đọc Sở từ(2)? – viên quan dẫn lộ nhìn Liễn, vẻ cảm phục.
– A, ông này có cái tích, về tết Đoan ngọ, – viên Phó sứ reo lên như bắt được của.
– Dạ, đúng thế! Tết mùng năm tháng năm, là ngày tưởng nhớ cái chết của thi nhân. – Quan dẫn lộ nhìn Phó sứ, chuyển từ khinh bỉ sang nể trọng, lẩm bẩm trong miệng, – quả là xứ ấy cũng lắm người tài.
Đoạn, hắn ư ử ngâm khúc Ly tao:
“Ngày tháng vút đi không trở lại
Vườn xuân qua đã lại sang thu
Đoái trông cỏ áy cây vàng
Sợ con người đẹp muộn màng lỡ duyên”.(3)
Nghe vậy, Liễn biết kẻ này có tâm, liền trổ tài, đọc mấy câu:
“Dân mỗi người mỗi vẻ a
Chỉ bè đảng là lạ đời”.(4)
Nghe xong, hai bên cùng cười tâm đắc, khiến cho không khí giao hòa hơn thân mật hơn, thay cho vẻ giữ lễ ngoại giao. Liễn nghĩ bụng, sao họ chọn kẻ dẫn đường hay chữ thế? Có nhẽ, ta phải tâu với vua cha, cũng cho đám học trò, nhà sư, đóng vai người dẫn đường, chở đò cho sứ bộ Bắc Tống, Chiêm Thành, để tăng thêm thể diện quốc gia mới được.
Đoàn sứ lại bỏ xe và ngựa lại, chất đồ đạc lên thuyền, vượt sang bên tả ngạn, thì thấy đã có xe và ngựa chờ sẵn, đưa đi.
– Ngựa nước họ cũng to hơn ngựa nước mình, – bọn lính kháo nhau.
– Củ soát đồ đạc, để mắt tới đồ cống nạp! – Phó sứ đôn đốc quân lính.
Cả bọn xăng xái bốc xếp, chằng buộc cẩn thận, kiểm đếm đầy đủ, phái bộ mới lên đường đi tiếp. Tháng sau, phái bộ Đại Cồ Việt đến Biện Kinh.
Bắc Tống thả cho phái bộ của Liễn du ngoạn khắp thành, ra cả sông Hoàng Hà ngắm sóng chán chê, rồi mới cho vào yết kiến Triệu Hoàng đế. Liễn nói với Phó sứ:
– Hẳn là họ muốn khoe kinh đô lộng lẫy, Hoàng Hà hung dữ, ngõ hầu uy hiếp cánh ta đây?
– Vâng, – Phó sứ lễ phép đáp. – Hạ quan cũng nghĩ như vậy. Họ lắm mẹo chứ không phải bỡn. Quán dịch sang trọng, ăn uống toàn cao lương mĩ vị, lại còn gái đẹp hát ca, múa may quay nồm nữa, không khéo ngã lòng như chơi.
Cả hai nháy mắt nhìn nhau, cười rinh rích.
3.
Sau khi dâng tấu chương và đồ cống nạp cho bọn cận thần nhà Tống, Liễn mới được vào hoàng cung yết kiến Hoàng đế Triệu Khuông Dẫn. Dẫn được gọi là Thái tổ, lên ngôi đã được mười hai năm, trọn một con giáp. Tuy sứ bộ đã được nghe nói nhiều về Hoàng đế đầu triều này, nhưng khi gặp mặt, khiến Liễn trợn mắt kinh ngạc, khi thấy một ông vua phì nộn, đội mũ cánh chuồn, râu trê, áo bào đỏ, đai ngọc, ngồi chễm chệ trên ngai vàng.
– Muôn tâu bệ hạ! Sứ bộ Đại Cồ Việt kính chúc bệ hạ vạn thọ vô cương, – Liễn khuỵu một bên chân, chắp tay mà hô dõng dạc.
– Sao ngươi không quỳ? – viên quan thái giám trịch thượng quát khẽ.
– Thần là sứ giả của Hoàng đế Đại Cồ Việt! – Liễn khảng khái đáp.
Nghe vậy, Dẫn nhếch mép cười, vẻ kẻ cả không chấp, nói:
– Miễn lễ!
Liễn đứng trang nghiêm, nhìn hoàng đế Bắc Tống trên ngai cao, xung quanh có quân lính sóng hàng như tượng, binh khí sáng lòa; nghĩ bụng, chúng cũng ra oai gớm, chứ tưởng! Đoạn, rút bản tấu trong tay áo thụng ra, lướt qua cho khỏi quên ý chính, rồi nói vo:
– Muôn tâu bệ hạ! năm Kỷ Hợi (939), sau khi Ngô Quyền xưng vương thì tiếp loạn sứ quân, mãi đến năm Mậu Thìn (968) mới dẹp yên được. Phụ thân của thần là Đinh Hoàn lên ngôi Hoàng đế, lập nước Đại Cồ Việt, định đô Hoa Lư ở Trường Châu, đặt niên hiệu Thái bình. Nay, thần Nam Việt Vương, thay vua cha sang trình báo bệ hạ.
Nghe xong, Dẫn cất giọng sang sảng, nói:
– Trẫm biết cả, Đinh Hoàn còn phong chức tước cho cả bọn sư sãi, con hát nữa, lại đúc tiền này nọ, nghĩ cũng đáo để.
Nhác thấy Chánh sứ nhíu mày, vẻ không hài lòng về sự trịch thượng của mình, nên Dẫn chuyển chuyện khác:
– Mấy ngày nay, thấy các ngươi đi đường mệt nhọc, trẫm đã cho nghỉ ngơi, thăm thú, kinh thành, chợ búa, quán xá… Hẳn các ngươi đã thấy, Đại Tống ta, không những có tiền đồng, mà còn có cả phi tệ(1) nữa.
– Tạ ơn bệ hạ! – Liễn chắp tay cúi đầu cảm tạ và nhớ lại, đã thấy những đồng tiền bằng giấy, có vẽ hình hàng chục đồng tiền hình tròn, lỗ vuông và có cả hình mấy người khuôn vác, bán buôn, giữa cảnh phố xá gì đó.
– Năm tới, trẫm sẽ cử một phái bộ sang bên đó truyền chỉ, phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Quận vương, gọi là Giao Chỉ Quận Vương. Còn ngươi thì làm Kiểm hiệu thái sư Tĩnh Hải Quân, Tiết độ sứ An Nam đô hộ.
Nghe vậy, khiến Liễn suýt ngã bổ chửng, may mà kịp thời trấn tĩnh, nhưng lời vẫn còn nghẹn trong cổ, mà phải cố thốt ra:
– Tạ ơn bệ hạ!
– Bãi triều!
Sau khi hạ lệnh bãi triều, Dẫn được hai cung nữ đẹp như tiên giáng trần, dìu vào hậu cung. Bọn thái giám đi theo. Đám lính vẫn tại vị. Đoàn sứ bộ Đại Cồ Việt lui về dịch quán, sửa soạn lên đường về nước.
***
Nghe Đinh Liễn tấu trình việc đi sứ Bắc Tống trở về, đến đoạn vua Tống phong hoàng đế nhà mình chức Quận vương, khiến Đinh Điền gầm lên:
– Hóa ra, nó chỉ coi mình như quận huyện thôi ư?
Hoàng đế phải nghiêm sắc mặt, xua tay ra hiệu cho Điền lặng tiếng, để Liễn tâu nốt, rồi mới ôn tồn nói:
– Từ xưa, cái bọn phương Bắc, lúc nào cũng như con hổ trong hang, con giải trên sông, lơ là mất cảnh giác bị nó đớp liền. Nay, nó tự cho mình thế nước lớn mà ngông cuồng, thì ta cũng biết vậy cái đã, liệu sau. Chuyện này, chỉ giữ kín trong triều, không loan cho binh lính, dân chúng biết làm gì, kẻo sinh loạn.
Cả bọn cúi đầu lĩnh mệnh, cùng hô to: “Tuân chỉ!”.
Điền vẫn chưa xả hết nỗi bực dọc trong lòng, vẫn nói:
– Nhẽ ra, thần định can trước lúc Nam Việt Vương lên đường đi sứ, nhưng nghĩ Hoàng thượng và triều đình đã quyết, nên thôi. – Điền bặm môi, trợn mắt nói, – nhưng ức thật, việc gì phải cúi đầu xin nó sắc phong? Thế hóa ra, vẫn lệ thuộc nó à. Nó là cha mẹ mình à?
– Một nghìn năm Bắc thuộc, quen thói thần phục mất rồi. – Hoàng đế điềm đạm nói câu thực lòng, – một nghìn năm sau nữa, chẳng biết có thoát Hán được không? Cái danh độc lập chỉ để yên lòng dân mà thôi. Bởi vậy, theo lệ xưa, vua chúa gì đi chăng nữa, cũng đều phải xin sắc phong cho chính danh. Còn việc ta, ta cứ làm. Cái này, gọi là trò giao hảo khôn ngoan. A ha ha…, – Hoàng đế đắc chí cười vang.
– Tôi không ngờ chú cũng…
Suýt nữa Điền buột miệng nói chữ “hèn”, may mà Bặc đứng cạnh, véo một cái rõ đau vào hông, khiến Điền phải há hốc mồm ra.
Các quan tái mặt kinh hãi, lo thay cho quan Ngoại giáp. May sao, Hoàng đế đang say sưa thưởng thức chính cái sự khôn vặt của mình, nên không để ý.
Đến khi sứ bộ nhà Tống sang, Hoàng đế bảo chờ ở Thiên Tôn, cho đi thăm thú loanh quanh phong cảnh núi Hồi Hạc(5), Non Nước, rồi lại sang Kỳ Lân(6), Cánh Diều. Quan Chánh sứ thấy non nước hữu tình, toan khắc bài thơ lên vách núi, nhưng Vệ úy Phạm Hạp không chấp thuận, đành phải thôi. Khi về lại động Thiên Tôn, chúng bàn nhau:
– Tại làm sao mà Cao Biền đã trấn yểm ở đây, với núi Cánh Diều, nhưng xứ này vẫn phát vương, lại dám mạo xưng hoàng đế nữa?
– Hẳn là lũ man di có kẻ cao tay phá được, hoặc giả, hồng phúc chúng lớn quá chăng?
– Thái tổ dặn, phải dùng kim ngân làm mờ mắt vua quan xứ này, phải phao tin gây loạn nhân tâm, thì tự khắc chúng suy sụp, còn hơn cả trấn yểm.
– Hoàng đế Đại Tống sáng suốt!
– Nhưng ta phải làm cho khéo, kẻo lộ ra thì bị phản đòn, tai hại gấp bội phần.
Cứ để cho sứ giả chơi chán, Hoàng đế mới cho xe ngựa kéo cả đoàn theo đường Thiên lý ra bến Gián Khẩu, rồi xuống thuyền, ngược sông Hoàng Long, rẽ Sào Khê, lên bến Đền, vào cung. Hành trình thật nhiêu khê, khiến cho chúng thấm mệt, chứ không cho xe ngựa chạy thẳng từ động Thiên Tôn theo đường Tiên Yết, Đô Thiên vào cửa Đông kinh thành Hoa Lư.
Từ khi nghe thuyết của Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu, Bộ Lĩnh đã cho cất vạc dầu, nhưng nay đón bọn sứ Tống sang, bèn bầy lại, để gây sự khiếp sợ. Ai dè, sứ bộ nhà Tống đi qua, nhìn thấy vạc đang đốt lửa đùng đùng, dầu sôi sùng sục, lại bảo nhau:
– Không ngờ cái trò man rợ của đại quốc, từ thời mông muội, nay là Quý Dậu (973) rồi, mới được du nhập vào Giao Chỉ?
Chúng cười khinh khi, quay đi.
Đinh Tiên Hoàng đế thiết triều, sứ bộ nhà Tống truyền chế của Tống Thái Tông Triệu Khuông Dẫn. Chế rằng:
“Họ Đinh, đời làm vọng tộc, gìn giữ được phương xa, chí hâm mộ phong hóa Trung Hoa thường nghĩ tới việc nội phụ. Nay chín châu hợp một, miền Ngũ Lĩnh sạch quang, bèn trèo non vượt biển đến dâng đồ cống. Khen người làm con biết giữ thưởng đức tốt của người già, há chỉ hạn chế trong điển chương thường lệ đâu”.
Nghe xong, các quan đứng như trời trồng. Ngoại giáp Đinh Điền tức sùi bọt mép, mắt trợn ngược như trúng phong, ngã vật ra sàn điện. Hoàng đế quát Thái y đưa ra ngoài cứu chữa, nhân tuyên bố bãi chầu luôn thể.
Mặc dù Hoàng đế đã có chỉ phong tỏa sắc phong của Triệu Khuông Dẫn, nhưng tin đồn vẫn lọt ra ngoài, khiến quan, quân, dân chúng tỏ ý căm nhà Tống trịch thượng lắm.
***
Mấy năm nay, quan lại được phong chức tước ngày một nhiều, chúng ra sức xây cất dinh thự, mua sắm ngựa xe, nên dân chúng phải đóng thêm các loại thuế má, thuế chồng lên thuế, không biết bao nhiêu mà kể. Kho tàng ngày một kiệt quệ. Nhà vua phải sai đúc thêm nhiều tiền. Tuy có thêm tiền, nhưng lại ít sản vật, nghèo hàng hóa, kém thóc gạo, nên đồng tiền mất giá. Người đi chợ phải mang theo hàng xâu tiền treo đầu đòn gánh. Trẻ con cũng đánh đáo ăn tiền suốt ngày, tiền treo lủng lẳng dải rút, thòi ra dưới lá tọa, nom như đuôi trâu cụt. Dân đói khổ, sinh ra chán ghét, trộm cướp nổi lên như rươi. Nạn bán tước mua quan lọt vào tận trường ốc, nên sự học hành cũng lơ là, đúc ra một lứa quan lại ngu hèn. Trong dân, tin đồn nhảm đầy ắp lỗ tai. Ai thấy điều trái tai gai mắt tâu lên, đều bị ghép tội phản nghịch. Kẻ sĩ ngoảnh mặt, không mặn mà với chính sự nữa.
Không biết từ đâu tung ra bài sấm, lan truyền khắp hang cùng ngõ hẻm:
Bởi chưng giời đất đảo điên
Quân binh loạn tướng, thế gian loạn tiền
Dân loạn khẩu, sĩ loạn văn
Bao giờ loạn miếu sẽ yên mọi bề.
Đinh Điền bảo Hoàng đế rằng, ngờ Lưu Cơ làm ra. Bởi, khẩu khí cương cường ấy là của Lưu Cơ, thương kẻ khó cũng Lưu Cơ, chức tước cao sang không màng lại là Lưu Cơ… Vậy, đích thị Lưu Cơ chứ còn ai, cho vào cối mà giã cũng không trật. Hoàng đế lắc đầu quầy quậy, tưởng trên vai Hoàng đế là cái cù đang quay. Điền lại bảo, hay là bọn sứ nhà Tống tung ra, khiến vua tôi ngờ vực lẫn nhau. Hoàng đế nghe có vẻ xuôi tai, nhưng chưa quyết bề nào. Bao kẻ nói qua nói lại sấm ấy, đều bị tra tấn, đánh đòn roi. Những người cả gan cãi lại, bị quẳng vạc dầu, chuồng hổ, ao giải. Thế nhưng tin đồn vẫn như mạch suối nước nóng Kênh Gà, không sao bịt lại được.
– Rõ là, bịt miệng vò, miệng hũ, chứ ai bịt được miệng thế, – Bặc cám cảnh than vãn.
– Tôi cũng rầu cả ruột, – Hoàng đế ca thán.
– Quả thực, từ khi phái bộ nhà Tống sang truyền chế, thấy lắm tin thất thiệt, không biết có phải từ mồm miệng chúng ngầm phun ra hay không? Nhưng Lưu Cơ thì tôi tin, lòng dạ sáng như trăng sao, – Bặc tự tin, dãi bày lòng mình.
– Tôi cũng nghĩ thế, – Hoàng đế nói. – Nhưng bác Điền cứ bảo, sấm ấy, phải hạng người như Lưu Cơ mới bày ra được, – Hoàng đế lại thở dài.
– Chuyện này, phải cậy nhờ đại sư chăn phần tâm, bọn Ưu bà lo bày trò nói lọt tai dân chúng. Ngõ hầu, từ đấy mà lòng dạ tụ về triều đình, quy về Hoàng thượng, tránh mầm phản loạn.
– Phải, bằng hữu có mẹo hay. – Hoàng đế tán thưởng, – trị nước tưởng dễ, nhưng lại khó nhọc bằng mấy cuộc giao tranh. – Hoàng đế dốc bầu tâm sự với bạn, – lúc chiến trận xông pha hòn tên mũi đạn, thì binh lính là thứ bung xung, thắng thì công đầu của tướng, thua thì chết không toàn thây. Nay yên hàn, trăm sự đổ lên đầu vua. Chính làm cái anh quan, hóa ra lại hay hơn là làm cái anh vua.
Nghe vậy, Bặc cười chảy cả nước mắt, nói:
– Không ai thích làm vua, sợ điều tiếng. Thế nhưng mà ai động đến lại bảo phạm thượng, nọc ra đánh hàng trăm roi, có khi lẳng vào vạc dầu, chuồng hổ, ao giải…
– Thế mới gọi là cái anh vua! – Hoàng đế lý sự cù nhầy, rồi phá lên cười.
Nghe vậy, Bặc lại càng cười to. Từ lâu đến giờ, cả hai mới được trận cười sảng khoái đến vậy.
– Nghe nói, có quan trong triều, tư thông với sứ Tống, nên có kim ngân, xây cất dinh thự, mua sắm ngựa xe, – Bặc nói nhỏ.
– Phạm Cự Lạng cũng đã cử quân theo dõi. – Hoàng đế thở dài, – quân phản chủ, rõ là nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà. May sao, bọn liêm phóng(7) cũng biết mà để mắt…

Chương mười một
Dương hậu sinh Đinh Toàn
1.
Đang thủng thẳng đi qua chợ phủ, bỗng nghe tiếng trẻ con hát: “Đỗ Thích thí Đinh, Đinh…”, khiến Đỗ Thích rụng rời chân tay. Thôi chết, vạ đến nơi rồi, nghĩ vậy, hắn cố sống cố chết đuổi theo bọn trẻ, mong sao túm được một vài đứa, đem về khảo tra cho rõ ngọn ngành. Nhưng chúng như ma, thoáng chốc đã lẩn như trạch. Hồn vía lên trời, Thích ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào cung, khẩn báo Phạm Cự Lạng.
Lạng nghe, tái mặt hỏi lại:
– Thật không?
– Thật! – Thích lập cập đáp, không ra hơi.
– Ở đâu?
– Chợ phủ!
– Mấy đứa?
– Một đám, không bắt được đứa nào, – Thích nói như mếu. – Vạ chu di tam tộc đến nơi rồi! – Thích bật khóc tu tu như cha chết.
Lạng vội cử mấy toán lính cải trang làm thường dân, đi dò xét. Một chốc, các toán trở về, đều cấp báo lời sấm như nhau cả. Sấm rằng:
“Đỗ Thích thí Đinh, Đinh
Lê gia xuất thánh minh
Cạnh đầu đa hoạnh tử
Đạo lộ tuyệt nhân hành.
Thập nhị xưng đại vương
Thập ác vô nhất thiện
Thập bát tử đăng tiên
Kế đô thập nhị thiên”.
Lạng vội báo Lưu Cơ. Cơ nghe qua, dịch ngay một bản làm bằng:
“Đỗ Thích giết hai Đinh
Nhà Lê nổi thánh minh
Tranh nhau nhiều kẻ chết
Đường xá người vắng tanh.
Mười hai (năm) xưng đại vương
Toàn ác không một thiện
Thập bát tử (Lý) lên tiên
Kể hai chục ngày liền”.
– Vầy là sao? Thưa đại nhân! – Lạng sợ hãi, hỏi Cơ.
– Cứ như sấm này thì đại loạn. – Cơ chau mày nói, – nhưng trước mắt, phải dẹp yên chuyện đồn nhảm. Bắt được đứa nào chưa?
– Chúng cứ như ma, tự dưng biến, bỗng dưng hiện, – Lạng thất thần nói.
– Sao lại lọt chuyện này vào cung được? – Cơ tò mò hỏi.
– Chính Đỗ Thích cấp báo như thế, – Lạng khảng định.
– Bài dài thế, mà Đỗ Thích thuộc được ngay sao? – Cơ hồ nghi.
– Không, Đỗ Thích mới nghe câu đầu, đã lập tức đuổi theo bọn trẻ, nhưng không sao bắt được, liền về cấp báo ngay, – Lạng thuật lại. – Phải tâu Hoàng thượng, nhề!
– Ấy chớ, – Cơ vội can. – Bây giờ, phải mời ông Bặc, ông Điền, ông Tú cái đã, rồi liệu sau.
– Còn ông Liễn? – Lạng chần chừ, – Đỗ Thích nữa chứ?
– Chưa chưa… – Cơ xua tay. – Chưa rõ đầu cua tai nheo thế nào…
Lạng bèn phái lính, đón các quan Tứ trụ triều đình, vào dinh Đô hộ phủ.
***
– Tôi cũng vừa nghe thấy chuyện động trời rồi. – Điền vừa bước chân vào cổng, đã oang oang, – chém thằng Thích ngay!
– Ấy chớ, – Bặc vội can Điền. – Để xem sao đã chứ? – Đoạn, quay sang Cơ hỏi, – thế, ý ông ra sao?
– Cứ như lời sấm quái gở này, thì Đỗ Thích sẽ “thí”, nghĩa là sát hại Hoàng đế và Nam Việt Vương, “hai Đinh” mà, – Cơ vừa nói vừa thở, vẻ khó nhọc.
– Ối giời! – Tú bật dậy, kêu to, rồi lại ngồi phịch xuống ghế, mặt tái dại.
– Nhà Lê sẽ nổi lên, – Cơ nói.
– Tôi đã bảo chú ấy là, cẩn thận cái thằng Thập đạo, nó có mệnh thiên tử, nhưng chú ấy cấm có nghe, – Điền giậm chân, đập tay, ngửa cổ thở như cá ngáp trên cạn chờ chết vậy.
– Cứ để yên, nghe ông Cơ giảng nốt bài sấm xem ra sao đã nào? – Bặc sốt ruột, cắt ngang.
– Câu “Mười hai xưng đại vương” nghĩa là nhà Đinh được mười hai năm, thì nhà Lê lên thay, rồi nhà Lý lại lật nhà Lê. Câu “Thập bát tú”, chiết tự là chữ “Lý”, – Cơ lấy lại bình tĩnh, từ tốn giảng giải.
– Nghĩa là, – Bặc ưu tư, – theo lời sấm, thì thằng Thích sẽ ám hại hai cha con vua Đinh, rồi nhà Lê xuất hiện, sau đấy nhà Lý lại lên?
– Câu đầu chỉ đích thị Đỗ Thích rồi. Cái chữ “Thích” cũng là ám sát mà, – Lạng khảng định. – Còn từ câu hai giở đi, nhất là đoạn hai thì mù mờ. Nhưng thiển nghĩ, để bảo toàn cho Hoàng thượng và Nam Việt vương, ta cứ gô cổ Đỗ Thích lại cái đã, hạ hồi phân giải.
– Bắt thằng Đỗ Thích ngay! Lột mũ áo thằng Lê Hoàn mau! – Điền hùng hổ nói.
– Bình tĩnh, – Bặc ôn tồn. – Bây giờ, anh em ta vào hoàng cung, xem ý Hoàng thượng ra sao đã? Bài kệ ở chùa Minh Châu, từ năm Bính Thân (936), thì chả chỉ bọn nhà chùa còn ai? Việc này, liên can đến bọn sư sãi, nhà chùa chi không? Đại sư… – Bặc định nói câu gì đó, về Ngô Chân Lưu, nhưng nghĩ sao lại thôi.
Nghe vậy, ai cũng cho là phải, bèn cùng nhau kéo vào hoàng cung, khẩn báo có chuyện dữ. Hoàng đế nghe xong, cả cười, bô bô nói:
– Ta nghe cả rồi, biết cả rồi. – Hoàng đế chấm khóe mắt, – không phải lo chi cho mệt. Chả nhẽ, Đỗ Thích là ân nhân của ta, lại nỡ hại cha con ta? Lê Hoàn là nha tướng của ta, chỗ thân cận của thằng Liễn, lại mưu phá cơ nghiệp chủ tướng? Còn nhà Lý ư? Ta với ông Cơ đã tảo thanh ngay từ năm Đinh Mão (967) rồi, còn mống nào đâu?
– Chả nhẽ, chỉ là âm mưu của kẻ nào đó, hòng chia rẽ vua tôi? – Lạng thật thà hỏi, – hay là từ mồm bọn sứ Tống, sang năm ngoái?
– Gớm, cứ ngã bệnh lại đổ cho trâu à? – Hoàng đế lại cười, bỗ bã nói, – thôi, bảo thằng Thích làm bữa tiết canh lòng lợn, cánh ta đánh chén cái đã. Lâu lắm, anh em chưa ngồi bù khú chén chú chén anh. – Đoạn, Hoàng đế lập tức nghiêm giọng bảo, – đừng quá tay với chuyện tầm phào, mà trẫm mang tiếng là kẻ vong ân bội nghĩa, nhỏ mọn nghi quanh, làm quân tâm dao động!
Nghe vậy, cả bọn chỉ còn biết cười trừ, tuân theo.
2.
Dương Hoàng hậu sinh hoàng tử, đặt tên Đinh Toàn, còn gọi Đinh Tuệ.
Tin vui bay khắp kinh thành. Lưu Cơ bảo: “Năm nay, Giáp Tuất, Hoàng tử sinh ngày này, tháng này, hẳn lĩnh ấn quân vương”. Đinh Liễn nghe vậy, sa sầm nét mặt, tỏ vẻ không hài lòng.
Sau năm năm nhập hoàng cung, Dương Hoàng hậu sinh hoàng tử, khi bước vào tuổi hai mươi mốt, thì tỏ ra vui mừng khôn xiết. Tin vui bay về động Hoa Lư, khiến ai cũng đổi giận làm vui, bỏ qua chuyện Dương Hoàng hậu phá hoa đêm hôm xưa. Ai cũng chắc mẩm, hoàng tử lên thái tử, thái tử lên ngôi vua chỉ một bước chân. Thế là cả làng lại được nhờ, vẻ vang thay. Không ngờ cái động núi lau lách, hoang vu, làm nơi thả trâu tập trận ngày nào, mà lại danh giá đến nhường ấy.
Ngô Nhật Khánh biết tin ấy, thì nghiến răng trèo trẹo, nhìn Ngô bà đầy vẻ trách móc. Ngô bà chỉ còn biết chảy nước mắt tủi phận mà thôi.
– Mẹ ơi, con có chút vàng bạc biếu mẹ, – Khánh lễ phép.
– Mẹ khối tiền, – Ngô bà lau nước mắt, cười.
– Tiền mất giá, khác gì vỏ hến. – Khánh nài nỉ, – mẹ dùng kim ngân chẳng hơn sao?
– Mẹ cần gì nhiều đến thế vầy, – Ngô bà nhìn đống vàng bạc, nghi ngờ hỏi con giai.
– Thì, mẹ cứ dúi cho bọn thái giám, – Khánh nói trắng phớ ra, rồi quầy quả ra về.
Đến lúc này, Ngô bà mới hiểu, ngồi thừ ra, đỏ bừng cả mặt. Thì ra, nó vẫn đăm đắm muốn có một đứa em giai nữa. Ngô bà thẹn, cười ra nước mắt.
Ngồi trong cung, bà xổ tóc ra chải cho khuây, bọn thị nữ a tới giúp. Chúng đâu có hiểu tâm sự của bà. Sao mà khi ân ái với người đàn ông quyền lệch thên hạ này, trong đầu vẫn lẩn quất hình bóng bố thằng Khánh? Gái nhớ chồng cũ biết ngày nào nguôi, là cái sự vậy sao? Có lẽ, chính vì thế mà không đậu, chứ không phải như nó lầm nghĩ? Chắc nó tưởng hoàng thượng không thèm ngó ngàng gì tới mình, nên mới đem vàng bạc cho mình hối lộ bọn thái giám đây. Nghĩ vậy, bà bật cười khanh khách, khiến bọn thị nữ giật mình. Ta còn mặn mà chán, khiến Bộ Lĩnh không muốn rời ấy chứ. Ta có mẹo của ta, lại thêm thuốc thang tẩm bổ nữa, nhất định sẽ sinh ra hoàng tử cho mà xem.
Thì ra, thằng Khánh qui hàng, nhưng vẫn ôm mộng lớn. Nó vẫn muốn giữ nhà Ngô để nối nghiệp đế vương. Việc chẳng thành, nó phải quay sang với nhà Đinh, hẳn có mưu đồ nhiếp chính chi đây, nên cần có một thằng em cùng mẹ khác cha, làm cầu nối cho nó. Nó từng tự xưng là An Ngô Vương kia mà. Được, thương con ta sẽ lo tròn mọi sự.
3.
Từ khi Tráng bị đánh đòn, về Trữ làm ruộng, những tưởng yên thân, nhưng ai ngờ, vẫn bị bọn lính dò xét. Bọn này báo với Lạng rằng, con Là thường đi chợ phủ, thỉnh thoảng có ghé qua tư dinh Lê Hoàn. Có bận, thằng Tráng tới đó qua đêm. Sau đấy, mới thấy bài sấm tám câu xuất hiện ở chợ, nghi vợ chồng thằng này ngầm truyền dạy trẻ con. Có khi, chúng còn có trò ma thuật tàng hình nữa. Thằng Tráng không biết chữ, con Là chỉ lẻo mép, nên không thể chế ra bài sấm… Sự này, có nhẽ, tổ chấy hẳn ở tư dinh Thập đạo tướng quân? Nhưng Hoàng đế đã có chỉ, không được xuống tay với quan Chi hậu nội nhân và Thập đạo tướng quân, nên Lạng chỉ cho bám riết vợ chồng Tráng – Là, để chờ thời cơ hành động mà thôi.
Lại nữa, Định quốc công Nguyễn Bặc có nhắc đến bài kệ chùa Minh Châu, nghi nhà chùa thông đồng với cánh họ Lý mà đặt ra. Chuyện cũ, cách bốn chục năm trường, có dây mơ rễ má gì với chuyện này không? Trong dòng dõi nhà Lý, kẻ nào có máu mặt. Hồi dẹp loạn Lý Khuê ở Siêu Loại, Lưu Cơ đã bày mẹo cho Hoàng đế nhổ tận gốc, trốc tận rễ, trừ hậu họa rồi mà. Con người có thắng được mệnh trời hay không, là ở như cái chỗ này. Lạng ngồi thừ ra nghĩ, nếu số trời chuyển sang tay nhà Lê thì tính sao? Vậy phải bảo bọn lính làm cho khéo, giữ cho kín mới được, kẻo cháy thành vạ lây, khi vật đổi sao rời, lại chẳng có chỗ dung thân, chứ chưa nói gì đến thăng thưởng. Ta cũng phải bảo anh Hạp cẩn thận mới được. Thôi, hay là cứ lờ cái chuyện sấm trạng này đi cho yên, lại đúng ý chỉ Hoàng đế. Một người thì kín, chín người thì hở, mà biết đâu, Lê Hoàn cũng có tay trong thì sao? Ngẫm câu: “Thập nhị xưng đại vương”, thì chẳng lẽ, Đinh Tiên Hoàng đế trị vì chỉ được mười hai năm thôi sao? Tính từ Mậu Thìn (968) lên ngôi, thì đến Kỷ Mão (979) là hết số ư? Bấm đốt, chưa đầy một bàn tay, Lạng thở dài, ngậm ngùi thay. Lại câu: “Thập ác vô nhất thiện”, nghĩa là mười điều ác, không có lấy một điều thiện, thì ắt giời sẽ bỏ tà lập chính thôi. Vạc dầu, chuồng hổ, ao giải là những cái dấu búa đóng vào việc ác của triều Đinh rồi, không sao gột rửa được nữa. Nghĩ vậy, Lạng bảo bọn quan quân tay chân nộp hết giấy tờ, sổ sách liên quan việc dò sét bài sấm, rồi bí mật phóng hỏa.
VŨ XUÂN TỬU
(Còn tiếp)
__________
(1) Khuất Nguyên (340-278 tr. CN)
(2) tác phẩm của Khuất Nguyên.
(3) bản dịch của Nhượng Tống.
(4) bản dịch của Đào Duy Anh.
(5) núi Hồi Hạc là một thắng cảnh, từ thế kỷ XIV, nhiều vua chúa và quan trạng đã khắc bia ngợi ca, đến thời Pháp thuộc, bị phá lấy đá làm đường tàu hỏa; nay thuộc khu vực đài liệt sĩ, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. (Tư liệu Trần Lâm Bình).
(6) núi này thuộc thành phố Ninh Bình, khác núi Kỳ Lân ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
(7) liêm phóng là người bảo vệ an ninh trong triều đình, đến thời Lý thì lập thành cơ quan riêng biệt.
XEM THÊM:
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 1
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 2
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 3
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 4
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 5
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 6
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 7
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 8
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 9
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 10
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 11
>> Đinh Tiên Hoàng – Tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu – Kỳ 12