Kỳ 14: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

Những bài thơ 1-2-3 của 4 người đẹp: “Nụ nhớ cựa mình thao thức tháng năm” của tác giả Hồng Tâm, “Khi ta đứng ta vuông góc với trời” của Nguyễn Lan Hương, “Những vì sao hy vọng” của Hạ Như Trần, “Em yêu anh” của Chiên Nguyễn qua lời bình của “đấng mày râu” nhà thơ, nhà nghiên cứu Khang Quốc Ngọc làm “sáng” thêm vẻ đẹp từ những câu chữ chắt lọc tinh khôi…

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Khang Quốc Ngọc (ngoài cùng bên trái)

>> Kỳ 1: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 2: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 3: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 4: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 5: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 6: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 7: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 8: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 9: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 10: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 11: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 12: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

>> Kỳ 13: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3

 

Ký ức tươi giòn và khát khao hạnh phúc là hai tâm cảm được thể hiện trong bài thơ “Nụ nhớ cựa mình thao thức tháng năm” của tác giả Lý Hồng Tâm. Nhưng ký ức có thể tươi giòn và đẹp đến đâu thì vẫn có bóng dáng của sự trăn trở, cho dù chỉ là thoáng qua. Nỗi nhớ mới chỉ ở dạng hình hài “nụ nhớ” thôi mà đã phải chịu cảnh “thao thức tháng năm” thì đủ biết những ẩn ức, những trông chờ kia phải lớn đến mức nào! Do vậy “những giọt trong veo mở lòng mùa hạ” để “đón ai về gom kỷ niệm thương yêu” nó mới tha thiết và rộn rạo làm sao! Một sự rộng lòng để đón chờ là cốt cũng chỉ mong ước “đón ai về gom kỷ niệm thương yêu” mà nhân vật trữ tình đã dành sẵn cho nhau mà thôi. Song, giọng thơ thì có chi đó ngậm ngùi bởi thi ảnh phía trên là những hình ảnh “giọt trong veo” đầy ẩn ý. Mở lòng chờ đợi, sẵn sàng dang rộng vòng tay yêu thương ra để đón chờ nhưng rồi chính sự chờ mong ấy lại như đang là một thực thể hiện hữu chứa đầy sức nặng mơ hồ thì hỏi sao có thể vui lên được mà không khỏi thảng thốt?

Do vậy, nhân vật cố tình tạo ra cho mình một sức mạnh tinh thần mang dáng vẻ bên ngoài “mỉm cười tươi như nắng” y hệt những cánh hoa bung nở nhưng thực ra thì tâm can kia đang thực sự rối bời, bởi lời thơ như thú nhận “giấu đi cái lạnh” của một sự cô đơn đã lồ lộ dưới ý thơ.

Tác giả Lý Hồng Tâm

Và thế là, vẫn theo cái mạch cảm xúc ấy, một viễn cảnh được vẽ ra trong sự tưởng tượng là lạ “gió thiên đường cuồng dại dưới môi cong” là phải chăng tác giả muốn mượn cánh hoa đã uốn cong để bày tỏ ước mơ một thời “cuồng dại” khuất lấp hay là tự thân bật ra tiếng nói ru vỗ tâm can mình? Sau sự kìm nén “giấu đi cái lạnh” là sự bùng dậy mãnh liệt của những khát khao “gió thiên đường cuồng dại dưới môi cong”. Hình ảnh “môi cong” diễn tả rất hay và gợi sự vùng dậy quả quyết, dũng mãnh.

Do thế, sau những thách thức tưởng rằng tan tác của “gió thiên đường” đầy mê dụ thì chỉ còn là sự “cuồng dại dưới môi cong” mà thôi. Bên ngoài thì của ngôn ngữ một loài hoa, bên trong là tiếng nói đẫm cảm xúc của một nhân vật trữ tình đậm nét nữ tính nhưng cũng lại hết sức mạnh mẽ và quyết liệt. Sức mạnh ấy đã tạo ra một sức sống bất khả chiến bại đáng tự hào. Giọng thơ rắn rỏi, giàu lòng thương yêu nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ. Một cách thể hiện bản lĩnh sống độc lập quả quyết hết sức đáng trân trọng.

 

Nụ nhớ cựa mình thao thức tháng năm

 

Những giọt trong veo mở lòng mùa hạ

Đón ai về gom kỉ niệm thương yêu

 

Mỉm cười tươi như nắng

Giấu đi cái lạnh

Gió thiên đường cuồng dại dưới môi cong.

 

(Lý Hồng Tâm – Tây Ninh)

 

Đứng” là thế trụ, là mong muốn thể hiện, là cái tôi. Ấy là giọng điệu khẳng định, hoặc giả nhẹ hơn là cũng mong muốn khẳng định. Ý thơ vẽ lên một tâm thế đường hoàng, chững chạc. Bởi thế, cái kiểu viết để tõe cho ra con chữ mang ý nghĩa ấy nó cũng đường hoàng một kiểu đứng “khi ta đứng ta vuông góc với trời”.

Còn khi ta “nằm” thì “ta song song mặt đất”. Động từ “nằm” là thi ảnh diễn tả cái thế an yên, do đó “song song mặt đất” là cũng có cái ẩn ý muốn hòa vào đất mẹ khi con người đã trải qua một hành trình dài dằng dặc “đứng” và đi bằng đôi chân mình trên mặt đất này. Hơn nữa, hai chữ “song song” còn gợi ra sự êm đềm hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Mong cầu và hiện hữu.

Tác giả Nguyễn Lan Hương

Và rồi câu chữ bất ngờ nhảy lên, mang vóc dáng đúc kết “cuộc sống là đi qua những cánh đồng số phận”. Lời thơ phe phẩy mà sâu sắc. Cuộc sống không bao giờ đứng yên. Cuộc sống luôn luôn đi qua để thay đổi. Thay đổi để thích ứng, thay đổi để phát triển. Tiếp biến không ngừng nghỉ. Lời thơ phảng phất chất triết lí cuộc đời “cuộc sống là đi qua những cánh đồng số phận”. Ai “đứng”, ai “nằm” thì đều tùy thuộc vào mỗi cá nhân, hoàn cảnh sống tác động. Hà cớ chi mà cưỡng cầu rồi đi ngược lại với quy luật muôn đời? Câu thơ phảng phất hơi hướng châm ngôn sống nên nó sâu sắc.

Loang loáng bóng người” là một câu thơ giàu sức gợi tả. Từ láy “loang loáng” hiển ngôn chỉ ra sự nhanh và nhiều. “Bóng người” vụt qua, có đấy rồi mất đấy, song cũng chính cái có cái mất ấy đã tạo ra cuộc sống này. Tiếp biến không ngừng nghỉ. Rõ ràng như thế. Hàng ngày như thế. Vùn vụt trôi qua “loang loáng bóng người”.

Tất cả sẽ “hóa tượng/ với thời gian” hay là chỉ “loang loáng bóng người” mà không thôi ám ảnh? Lời thơ y như một thực thể đang chạy rất nhanh rồi bất ngờ dừng lại. Quyết liệt. Bất ngờ. Ai thấy, ai đoán định là tùy thuộc vào tâm cảm của mỗi người để hy vọng rút tỉa được điều chi đó có ý nghĩa trong cuộc đời này thì hà tất chẳng cho ta sự trân trọng?

 

Khi ta đứng ta vuông góc với trời

 

Khi ta nằm ta song song mặt đất

Cuộc sống là đi qua những cánh đồng số phận

 

Loang loáng bóng người

Hóa tượng

Với thời gian

 

(Nguyễn Lan Hương – Hà Nội)

 

Bài thơ có giọng là lạ xoay quanh một hiện tượng “những vì sao hy vọng” mới xuất hiện “trên bầu trời đêm”. Và hiện tượng ấy đã đi vào thơ Hạ Như Trần.

Những vì sao hy vọng” có thể là mới xuất hiện do những nhà thiên văn học vừa quan sát và phát hiện ra nhưng mênh mông bầu trời này, hàng hà sa số thiên thạch thì sự xuất hiện kia đâu chỉ dừng lại ở một hiện tượng lạ?

Mở đầu, hình ảnh “những vì sao” gắn liền với hai chữ “hy vọng” là đã bật ra dụng ý rồi. Lời thơ đặt sự “hy vọng” vào “những vì sao” trong mênh mông trời đêm như thế là phải chăng ngầm ý muốn nói rằng chúng ta đang gắn mình vào những ảo vọng? “Hai ngày nay” đã xuất hiện “những vì sao hy vọng”. Số từ gắn với nội dung cụ thể “xuất hiện những vì sao mới”. Rõ ràng, cái cụ thể ở đây đã được ưu tiên, tác giả nói bằng ngôn ngữ thi ảnh, rồi xác nhận nội dung kia cũng bằng ngôn ngữ thi ca, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của nhận xét chi cả. Điều ấy, càng làm cho ý nghĩa từ thi ảnh vụt ra đậm chất khách quan hơn. Rằng, nó là hiện tượng, nó là thực tại. Cái thực tại kia đang hiện hữu trước mặt ta đó thôi thì cần chi phải thêm lời nhận xét?

Này nhé, “độ sáng của chúng, sự tự quay của chúng/ ảnh hưởng vào trái đất và đập vào mắt người quan sát, như ta” là thơ tự sự liệt kê ra những gì mà mấy ngôi sao kia đang tạo tác khi con người phát hiện ra chúng. Câu thơ mang dáng dấp văn xuôi tự do đem đến một ý nghĩa, tất cả đang tồn tại và ảnh hưởng của chúng đến nơi sống của chúng ta, “trái đất” này, là không hề nhỏ và cũng không hề là hư huyễn. Do vậy, lấy hai đặc điểm của ngôi sao là “độ sáng” và “sự tự quay” của chúng để đặt vào ý thơ là phải chăng Hạ Như Trần muốn dứt khoát xác quyết một điều rằng chỉ những đặc điểm cốt lõi tự thân mới mong có thể ảnh hưởng lớn từ những ai đó được coi như “những vì sao hy vọng” chăng? Nếu không là tự thân để tạo ra hấp lực rồi thu hút người ta “quan sát” thì sao có thể gọi là “những vì sao hy vọng” được? Lời thơ cứ nhẩn nha rồi chẻ ra từng ý, chậm rãi mà thú vị vô cùng.

Tác giả Hạ Như Trần

Ý tứ đang thong dong như thế thì bỗng nhiên ý thơ bẻ tay lái đột ngột “hy vọng những vì sao rực rỡ nhất tồn tại trên dải ngân hà”! Ô hay, sao không tồn tại ở dải ngân hà thì ở đâu? Thực ra đây là mong ước rất đáng trân trọng! Là bởi đọc kĩ một chút thì có thể thấy rằng “dải ngân hà” vốn dĩ là một dòng sông sao, xưa nay tồn tại quen thuộc cả trên bầu trời và trong nhận thức của con người, do đó ước mong “hy vọng những vì sao rực rỡ nhất, tồn tại trên dải ngân hà” là một ước mong cho sự êm đềm, an yên sẽ trôi miên viễn trong sự vĩnh hằng. Đừng sáng lóe lên đó rồi lại mất đi đó. Vậy thôi.

Lấy hiện tượng thiên nhiên để bộc bạch tâm tư qua giọng thơ tự sự tự do quả là độc đáo của nữ thi sỹ Hạ Như Trần. Giọng thơ thủng thẳng chậm rãi mà sâu sắc. Mong ước kia đâu chỉ là dừng lại ở giới hạn cá nhân? Đây đích thị là một bài thơ 1-2-3 văn xuôi giàu tư tưởng nên nó độc đáo và ý vị.

 

Những vì sao hy vọng

 

Trên bầu trời đêm

Hai ngày nay, xuất hiện những vì sao mới

 

Độ sáng của chúng, sự tự quay của chúng

Ảnh hưởng vào trái đất và đập vào mắt người quan sát, như ta

Hy vọng những vì sao rực rỡ nhất, tồn tại trên dải ngân hà.

 

(Hạ Như Trần – TPHCM)

 

Lời thơ bộc bạch nhẹ nhàng mà sâu sắc. Đó là sự thổ lộ tiếng lòng chung thủy gắn bó không thể thay thế trong tình yêu đôi lứa.

Mở đầu bài thơ, tiếng nói ấy vang lên thẳng thắn và gọn chắc “Em yêu anh”. Tiếng nói tình yêu được khẳng định và thể hiện rất ngọt. Thủ pháp tương phản được sử dụng cực kì hiệu quả: “Mắt của người mù” + “đôi tai của người điếc” + “cái miệng của người câm” >< “chỉ trái tim là không hề khuyết tật”. Rõ ràng, lời thơ đã vút lên khẳng định tình yêu là thuần nhất, vẹn nguyên.

Song, cái độc đáo ở đây còn là ở chỗ tác giả sử dụng điệp ngữ xen vào thủ pháp đối lập kia như ngầm khẳng định thêm rằng “em yêu anh” là tiếng nói cốt lõi nổi lên quan trọng của ý thơ. Nhưng tại sao tác giả lại cho nhân vật trữ tình “em” của mình là phải “”, “điếc” và “câm” khi “yêu anh”? Kiểu diễn đạt theo lối giả định ấy đem đến cho tác phẩm những giá trị thẩm mỹ gì? Đó là sự hy sinh của nhân vật “em” cho người mình yêu chăng? Nếu vậy, e một lúc nào đó sức chịu đựng kia, khi đã đạt đến độ giới hạn nhất định lúc mà thời gian thử thách còn dài, thì liệu tình yêu ấy còn có thể chịu đựng được không để mà vẫn nhẹ nhàng thốt lên thành tiếng “em yêu anh”?

Do thế, thủ pháp nghệ thuật tương phản được sử dụng kia chủ yếu là để nhấn mạnh tiếng nói tình yêu vang lên từ sâu thẳm bên trong trái tim mình. Rằng tiếng nói tình yêu ấy là tròn trịa, là nguyên vẹn bởi trái tim em “không hề khuyết tật”. Thì ra, đó là tiếng nói tình yêu cất lên mà muốn véo von rằng tất cả mọi thứ tác động từ bên ngoài vào suy nghĩ, tình cảm của “em” đều vô nghĩa và chẳng thể thay đổi được con người “em” đâu (anh hãy tin như thế nhé!); vì qua câu chữ thì rõ ràng, nhân vật trữ tình “em” đã và đang đặt mình vào một tâm thế: Luôn chả thấy gì (“người mù”); luôn không nghe gì (“người điếc”) và luôn chẳng muốn nói chi (“người câm”) là phải chăng cuối cùng cốt sao dồn hết tâm trí, tình yêu cho “anh” mà thôi!? Một sự cài đặt mặc định rất độc đáo cho tình yêu. Tự nhiên, chúng tôi lại nhớ đến một câu nói rất hay ở một nhân vật nam chính trong truyện của tác giả nào đó (hình như là nhà văn Nam Cao thì phải?) về tiếng nói lập trường trong tình yêu tương tự “duy nhất là em còn tất cả là một lũ chúng nó!”.

Tác giả Chiên Nguyễn

Hóa ra, cách nói theo kiểu đối lập được sử dụng trong bài thơ đâu chỉ là sự khẳng định mà nó còn mang bóng dáng của lời hứa hẹn để cuối cùng tạo ra cho bằng được niềm tin cậy trong tình yêu lứa đôi. Thì hẳn rồi, tình yêu không chỉ là cùng nhau nhìn về một hướng mà còn là sự hài hòa trong một sự thể có thể chấp nhận, để hy vọng vươn lên tâm thế hòa hợp giữa hai tâm hồn đó thôi. Điều này, quả không dễ dàng gì cho tất thảy chúng ta khi mà trong cuộc sống còn quá nhiều điều thị phi bắt nguồn từ những thứ đẩu đâu bên ngoài tác động đến tình cảm riêng tư. Do vậy, nhân vật trữ tình “em” cần lắm những kiểu nói “điếc, câm, mù” như thế để thể hiện tiếng lòng quả quyết là cũng cốt hướng đến cái đích lớn lao hơn – tình yêu trọn vẹn và chung thủy!

Một bài thơ gọn, giọng thơ tự nhiên, nhỏ nhẹ mà chắc nịch, đủ để khẳng định một tiếng nói tình cảm đôi lứa thủy chung vẹn tròn rất đáng cho chúng ta trân quý!

 

Em yêu anh

 

Tình yêu với đôi mắt của người mù

Đôi tai của người điếc

 

Em yêu anh

Với cái miệng của người câm

Chỉ có trái tim là không hề khuyết tật.

 

(Chiên Nguyễn – Đắk Lắk)

 

Sài Gòn, hè 2023

KHANG QUỐC NGỌC

(còn nữa…)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *